Những thay đổi cơ bản của chương trình mớiBắt đầu từ năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai CTGDPT. GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình cho biết: “Việt Nam đã tiến hành tới 3 cuộc cải cách và 1 lần đổi mới giáo dục, nhưng cả 3 lần cải cách đó đều chưa thay đổi chương trình giáo dục mà chỉ đổi mới sách giáo khoa. Đến lần này là lần thay đổi, xây dựng chương trình một cách bài bản nhất”.Theo đó, chương trình mới dự kiến được Bộ GD&ĐT thực hiện với lộ trình cụ thể như sau: năm học 2019 – 2020 thay đổi chương trình lớp 1; năm học 2020 - 2021 thay đổi chương trình lớp 2, lớp 6; năm học 2021 - 2022 lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2023 - 2024 lớp 5, lớp 9, lớp 12.Đặc biệt, chương trình mới sẽ có 3 điểm thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình, cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh và sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong đó, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh nội dung phát triển 5 phẩm chất của học sinh gồm “Yêu nước - Nhân ái - Chăm chỉ - Trung thực - Trách nhiệm”, và năng lực cốt lõi cho học sinh là: năng lực chung (bao gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc biệt thông qua nhiều phương pháp giáo dục khác nhau như dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học thông qua hoạt đông. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dạy học phân hóa giúp phát triển khả năng của từng học sinh, dạy học tích hợp giúp các em có tư duy tổng thể và dạy học thông qua hoạt động giúp các em được thực hành, thông qua hoạt động mà rèn luyện, phát triển năng lực cá nhân. Mục tiêu cuối cùng là giúp các học sinh sau khi học, tốt nghiệp thì có thể làm việc được, thay vì chỉ học để biết như trước đây.
Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giáBên cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đặt ra vấn đề đổi mới phương pháp dạy học. Theo ông, thầy cô cần tổ chức hoạt động cho học sinh, đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn trẻ tự học. Trong thời đại công nghệ số, học sinh chỉ cần lên mạng tìm kiếm là có kết quả tương ứng, “nếu thầy cô chỉ bằng lòng là người cung cấp thông tin đơn thuần thì họ không thể bằng được “ông thầy” Google. Nhưng học sinh vẫn cần họ là người hướng dẫn tìm kiếm, bổ sung thông tin, vận dụng thông tin đó. Uber - hãng taxi lớn nhất thế giới thành công không phải vì họ làm lĩnh vực xưa nay chưa ai làm, mà thành công vì họ đổi mới phương pháp tiếp cận. Nghề giáo cũng vậy, không cứ mãi dạy theo phương pháp cũ” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Ánh mắt hồn nhiên của học sinh lớp 1 trường Tiểu học Tốt Động trong ngày đầu khai giảng. Ảnh: Khắc Kiên |
Sẽ không giáo dục cào bằngVới trọng tâm hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, CTGDPT mới sẽ không thực hiện “giáo dục cào bằng”. “Mình không thực hiện nền giáo dục cào bằng mà thực hiện nền giáo dục có sự quan tâm tới từng đối tượng” - ông nói, bởi “Chúng ta biết rằng năng lực là sự kết hợp từ những tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện, học tập. Mỗi người có tố chất khác nhau. Nếu người ta được học thuận lợi để phát triển những tố chất đó thì họ sẽ trở thành người có năng lực. Nhưng nếu chúng ta áp dụng nền giáo dục dùng chung cho tất cả mọi người thì có khi chúng ta sẽ làm thui chột tiềm năng của nhiều học sinh” – GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích.Để minh họa cho quan điểm này, ông lấy ví dụ về GS Ngô Bảo Châu và nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Chúng ta không thể bắt Trần Đăng Khoa làm toán từ bé để giống như GS Ngô Bảo Châu, thì chúng ta sẽ chẳng có nhà thơ Trần Đăng Khoa hay GS Ngô Bảo Châu. Ngược lại, chúng ta bắt GS Ngô Bảo Châu làm thơ để nổi tiếng từ bé như Trần Đăng Khoa thì sẽ làm thui chột tài năng toán học của Ngô Bảo Châu”. Theo ông, chương trình mới phải tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với bản thân mình.Bên cạnh đó, mặc dù ban soạn thảo chưa có cơ sở pháp lý để đưa ra chương trình giáo dục tại địa phương, chương trình nhà trường nhưng đã có nội dung giáo dục cụ thể. Các nội dung này, ở tiểu học được tích hợp với các kiến thức truyền đạt của giáo viên chủ nhiệm, từ lớp 6 trở lên thì có 35 tiết/năm, khoảng 245 tiết/7 năm. Nội dung giáo dục sẽ được UBND các địa phương tự quyết định, chỉ đạo các Sở thực hiện. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh dạy về đô thị thông minh, hoặc ở Hà Nội thì giáo dục về luật an toàn giao thông, văn hóa Tràng An, v.v… “Các nội dung cụ thể theo đặc thù này sẽ đóng góp một phần quan trọng để các địa phương đánh giá quá trình, đào tạo được công dân cho đất nước”.