Chương trình giúp trường nghề nâng hạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ sở dạy nghề Việt Nam hưởng thụ dự án đều đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực quản lý, nhất là năng lực quản trị của nhà trường.

PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH khẳng định như vậy tại Hội thảo tổng kết giai đoạn 1 chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, diễn ra hôm nay (8/3) tại Hà Nội.

Theo đó, trong giai đoạn 1 của dự án phối hợp với Vương quốc Anh, phía Anh phái cử 3 trường uy tín và mỗi trường chọn 3 cơ sở dạy nghề của Việt Nam để chuyển giao công nghệ đào tạo. Đồng thời bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cũng như xây dựng một số chương trình theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Vương quốc Anh. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Kết quả, các trường nghề của Anh đã giúp đào tạo bồi dưỡng được 29 cán bộ quản lý và giáo viên bằng việc sang học tập kinh nghiệm ở các cơ sở dạy nghề. Các giảng viên đến từ Hội đồng Anh đã đào tạo được 90 cán bộ, công nhân, viên chức có năng lực quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của nước họ. Đồng thời, chúng ta cùng phối hợp với các cơ sở dạy nghề của Anh và Hội đồng Anh xây dựng được các công cụ quản lý. 

"Có thể nói, việc tham gia hợp tác với Hội đồng Anh ở giai đoạn 1 đã giúp các cơ sở đào tạo nghề nâng cao được năng lực quản trị. Đặc biệt là giúp các trường dạy nghề tiếp cận được những công nghệ đào tạo, chuyển giao các công cụ quản lý chất lượng và nâng cao được thương hiệu. Không những vậy còn góp phần nâng cao được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là xây dựng được 2 nghề trong lĩnh vực du lịch và xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Anh" - PGS Cao Văn Sâm chia sẻ.

Trong giai đoạn 2, chương trình hợp tác mở rộng thêm 8 trường, nâng tổng số là 17. Với cách triển khai phát huy những công cụ trong giai đoạn 1, sẽ phát triển thêm những công cụ mới để hoàn thiện bộ công cụ về quản lý chất lượng của các cơ sở dạy nghề của Việt Nam theo tiêu chuẩn Anh.

Đặc biệt mục đích cuối cùng là luật hóa được những công cụ này trong quản lý chất lượng cơ sở dạy nghề của Việt Nam. Việc này nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Cũng đồng nghĩa với khi người học cùng một tiêu chuẩn kỹ năng, cùng một tiêu chuẩn quản lý chất lượng thì họ sẽ được công nhận lẫn nhau...