Chương trình nghe lén của NSA: Hậu quả khó lường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự phản đối dữ dội từ các đồng minh truyền thống tại châu Âu là Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha đến lượt các đồng minh chiến lược tại châu Á yêu cầu Washington phải có câu trả lời xác đáng về chương trình nghe lén khổng lồ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Giữa lúc các thông tin liên quan đến bê bối do thám tiếp tục bị các cơ quan thông tấn châu Âu tiết lộ, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đều khẳng định hành động "do thám bạn thân và đối tác hoàn toàn không chấp nhận được" vì nó phá hoại lòng tin và có thể làm hại tình bạn của Mỹ - EU. Đức và Brazil đang gấp rút soạn một Dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc nhằm bảo đảm quyền riêng tư của mọi người trong hoạt động thông tin liên lạc điện tử.

 
Người dân Đức biểu tình phản đối chương trình nghe lén của Mỹ. Ảnh: Reuters
Người dân Đức biểu tình phản đối chương trình nghe lén của Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh, sẽ triệu tập Đại sứ Mỹ tại Indonesia để làm rõ về sự tồn tại của các thiết bị tại Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta cũng như các Lãnh sự quán của Mỹ ở Indonesia để giám sát mạng thông tin của nước này. Giới chức Hàn Quốc - một trong những đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á cho biết, sẽ có những phản ứng mạnh mẽ với chương trình nghe lén của NSA để bảo vệ hình ảnh và uy tín của Seoul. Bất chấp làn sóng phản đối trong và ngoài nước, ngày 29/10, trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, giới chức các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ tiếp tục biện minh cho chương trình do thám gây tranh cãi của mình là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, bảo vệ nước Mỹ. Những tuyên bố này chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa" khi người dân nước này yêu cầu Chính phủ chấm dứt hoạt động do thám người dân. Đặc biệt, việc Nhà Trắng khẳng định, Tổng thống Obama không hề hay biết hoạt động theo dõi 35 lãnh đạo thế giới của NSA đã khiến cộng đồng tình báo Mỹ bất mãn khi nhân vật "đặt hàng" do thám thông tin "phủi tay". Và cùng với sự bất bình ở châu Âu, lan dần sang châu Á, những gì mà Tổng thống Obama phải đối mặt là một cuộc khủng hoảng trên mọi mặt trận với những hậu quả chưa thể lường trước. 

 

Việc NSA thu thập hàng triệu cú điện thoại xuyên Đại Tây Dương và nghe lén điện thoại di động của các nhà lãnh đạo thế giới khiến đa số lãnh đạo các nước châu Âu đều nhận định sẽ làm phức tạp những cuộc thương thảo mậu dịch song phương lớn nhất trong lịch sử, tương ứng với một nửa sản lượng kinh tế thế giới và khoảng 30% mậu dịch toàn cầu. Ngoài tác động lâu dài, bê bối nghe lén còn tác động trực tiếp tới uy tín và doanh thu của các tập đoàn công nghệ thông tin của Mỹ như Google và Apple. Các đối thủ tại châu Âu đã tận dụng cơ hội này với lời mời chào sẽ "bảo vệ dữ liệu của khách hàng một cách tuyệt đối", trái ngược hoàn toàn những gì mà Google, Apple, Microsof đã làm. Trong một diễn biến mới nhất, hãng Najadi & Partners đã quyết định chuyển toàn bộ máy chủ sang khu vực Nga vì không thể tiếp tục đặt niềm tin vào sự an toàn thông tin tại Mỹ và châu Âu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần