Chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế: GDP giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng thêm 1%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, nếu được thực hiện, tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021 - 2025 dự báo đạt 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn 1 điểm % so với kịch bản không triển khai.

800.000 tỷ đồng cho chương trình

Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

  Ảnh minh hoạ

Chương trình phục hồi kinh tế được thực hiện giai đoạn 2022 - 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. 

Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình khoảng 800.000 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD).

Cụ thể: Một số chính sách hỗ trợ người dân, lao động, DN trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 gồm: Chương trình an sinh xã hội và việc làm: Hỗ trợ 1 lần người nghèo, hộ cận nghèo kinh phí dự kiến 21.200 tỷ đồng. Hỗ trợ 1 lần chi phí sinh hoạt cho lao động có thu nhập thấp dự kiến 12.000 tỷ đồng; Chương trình phục hồi DN, hộ kinh doanh (giảm thuế, phí, cấp bù lãi suất cho vay, giảm thuế GTGT đối với hàng hoá) kinh phí dự kiến khoảng 370.000 tỷ đồng; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (nâng cấp đường sắt, khu công nghiệp, xây nhà ở xã hội) dự kiến 220.000 tỷ đồng…

Theo Bộ KH&ĐT, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Những gói hỗ trợ đó chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Trong nước, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, năm 2021 ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, DN; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, đồng thời bỏ lỡ các cơ hội mới, từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm "Đổi mới", nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 hiện nay hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. Thời gian thực hiện của kế hoạch đến năm 2023 nhằm tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho DN, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế .

“Khi thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế thì tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021 - 2025 dự báo đạt khoảng 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện”- Bộ KH&ĐT đánh giá.

Cần sớm ban hành

Để thực hiện, Chương trình đưa ra được các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực đi kèm, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Theo Bộ KH&ĐT, việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Bộ KH&ĐT cho rằng việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Ảnh minh hoạ

Bộ KH&ĐT cho rằng việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.

Thực tế, giai đoạn 5 năm tài khoá Việt Nam 2016 - 2020, bội chi ngân sách bình quân khoảng 3,6% GDP, thấp hơn mức mục tiêu 3,9% GDP của Quốc hội. Dư nợ công đến nay khoảng 55,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP và dư nợ nước ngoài khoảng 47,3% GDP, tất cả đều thấp hơn mức trần quy định tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP. Theo “Không gian tài khoá như vậy vẫn còn, cho dù rất hạn hẹp, phần nào cũng đủ giúp cơ quan tài khoá tăng thêm trần nợ công và thâm hụt ngân sách hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ.  

Trước đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, Việt Nam còn gần 107 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra còn kênh phát hành trái phiếu. Trong điều kiện khẩn cấp, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng trung ương để lấy tiền hỗ trợ nền kinh tế. Khi xuất hiện nguy cơ lạm phát, NHNN sẽ bán trái phiếu ra để thu tiền về. Thế nên, dư địa cho nguồn lực để thực thi chương trình vẫn khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo phải đánh giá toàn diện để chọn lựa, xếp thứ tự ưu tiên các chương trình hỗ trợ, nhiệm vụ trọng tâm, từ đó cân đối với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi. 

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế cần được sớm ban hành, và "tốt nhất là ban hành ngay trong năm 2021". Bởi chiến lược này ngoài ý nghĩa để phục hồi kinh tế còn thể hiện cam kết cao với các nhà đầu tư, để họ yên tâm làm ăn kinh doanh, khôi phục sản xuất. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân. Cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân sau khi nhà nước đã đầu tư công như vốn mồi cho kinh tế phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong suốt thời gian, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khu vực ASEAN, cũng như Việt Nam. Một trong những khuyến nghị quan trọng, đó là chính sách cần được thực hiện hợp lý theo từng giai đoạn của diễn biến dịch bệnh, năng lực nội tại, khả năng thực thi và giám sát của khu vực nhà nước, các đặc điểm của nền kinh tế, dư địa chính sách hiện có.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, chương trình tập trung vào chính sách, nhiệm vụ, giải pháp y tế và kinh tế hỗ trợ trực tiếp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, người lao động; các hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế. Các chính sách tiếp cận cả về phía cung (tín dụng, giảm chi phí, lao động), phía cầu (kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công) và các khâu kết nối (vận tải, lưu thông hàng hóa, logistics). Tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách; và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Song song với đó là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chương trình đặt mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp…