Gia đình ông Vũ Huy Lâm là hộ nghèo trong thôn Đồng Cam, Thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất). Năm 2008, gia đình ông Lâm được người dân, lãnh đạo trong thôn và lãnh đạo thị trấn bình xét vay vốn chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thạch Thất số tiền 7 triệu đồng đầu tư vào sản xuất nghề mộc truyền thống của làng.
Nhờ chí thú làm ăn, đến năm 2011, gia đình ông Lâm vươn lên thành hộ cận nghèo và được bình xét mức vay 15 triệu đồng. Sau 3 năm, hộ gia đình ông Lâm thoát nghèo bền vững, được vay 50 triệu đồng từ chương trình Giải quyết việc làm để xây dựng một xưởng mộc, thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên.
Gia đình ông Vũ Huy Lâm là một trong rất nhiều hộ sử dụng đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH Thạch Thất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế không chỉ cho gia đình mà còn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thất.
Nhiều hộ nghèo ở huyện Thạch Thất đã được vay vốn phát tiển sản xuất, chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. Ảnh: Trần Oanh. |
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Thạch Thất Dương Quốc Mạnh cho biết, huyện Thạch Thất có 3 xã thuộc vùng núi (Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình), 11.042 người dân tộc thiểu số. Trong 5 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng CSXH, Ngân hàng CSXH Thạch Thất đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, nhất là các hộ nghèo ở vùng núi, dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Trong 5 năm, Ngân hàng CSXH Thạch Thất đã giải ngân cho 2.936 lượt khách hàng là người dân tộc thiểu số và vùng núi trên địa bàn huyện với số tiền 54,7 tỷ đồng. Từ nguồn tiền vốn vay, các hộ gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, Ngân hàng CSXH Thạch Thất còn dải ngân vốn vay cho 18 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 660 triệu đồng. Đây cũng là những đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.
Do đó, trong 5 năm, 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình đã giảm được 145 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5,17% năm 2014 đến nay còn 1,28%. Đời sống của nhân dân các xã miền núi và dân tộc thiểu số trong huyện đã được nâng lên đáng kể, tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm là 12,5%. Thu nhập bình quân đến nay đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 17,2 triệu đồng so với năm 2014. Từ đó, khoảng cách giàu, nghèo, giữa ba vùng (nông giang, đồi gò, vùng núi) của huyện dần được rút ngắn.
Từ nguồn vốn của việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 – CT/TW, đến nay đã giúp cho hơn 500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động; góp phần xây dựng được hơn 5.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thông. Và giúp cho hơn 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Nguồn vốn vay cũng giúp hơn 1.000 lượt khách hàng có thêm vốn để phát triển chăn nuôi, mua sắm thêm vật tư, máy móc, nông cụ, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần thực đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển, tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm của huyện là 14,6%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 25 triệu đồng/năm 2014 lên 58 triệu đồng vào năm 2019./.