Chương trình “Vinh quang Việt Nam” vinh danh 9 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lao động, cống hiến

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/11, Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Khát vọng Việt Nam” do báo Lao Động tổ chức đã diễn ra.

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bô, ngành của T.Ư...
 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc. Ảnh: Hải Nguyễn.  
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” là sự kiện lớn của tổ chức Công đoàn nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt 16 năm qua, chương trình đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa to lớn trong phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả nước. Tính đến năm 2021, với 16 lần tổ chức, tổng số các tập thể, cá nhân được vinh danh qua 16 kỳ Vinh quang Việt Nam là 246, trong đó có 88 tập thể, 158 cá nhân.
Năm nay có 9 cá nhân, tập thể (3 tập thể và 6 cá nhân) được vinh danh. “Điểm chung của tất cả những tập thể, cá nhân được vinh danh chính là khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, chiến thắng sự trì trệ, lạc hậu, phục vụ con người, phụng sự Tổ quốc; nhiều cá nhân, đơn vị trở thành nguồn cảm hứng lan toả hiệu ứng tích cực trong xã hội, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý” – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh. Đồng thời tin tưởng, các cá nhân, tập thể được vinh danh sẽ tiếp tục phát huy vai trò là những nhân tố tích cực đi đầu, tiếp tục toả sáng trong xã hội, trở thành những hạt nhân tiêu biểu của các phong trào thi đua yêu nước.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định biểu dương và chúc mừng các tập thể, cá nhân được vinh danh tại chương trình. Đồng thời nhấn mạnh, tất cả họ đều là những tấm gương lao động sáng tạo, làm việc và chiến đấu không biết mệt mỏi để đóng góp nhiều hơn công sức, trí tuệ, tài năng, lòng nhiệt tình và trách nhiệm cao cả vì cộng đồng, vì sự phát triển tốt đẹp của xã hội, của quê hương, đất nước. Đây thực sự là những tấm gương tiêu biểu, những bằng chứng sinh động trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại chương trình. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong gần 2 năm qua, đất nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid- 19, nhiều tổn thất to lớn về tính mạng sức khỏe, công ăn việc làm, bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, trong đó có những tập thể và cá nhân tiêu biểu được tôn vinh ngày hôm nay đã và đang góp phần động viên, cổ vũ ý chí và nghị lực của con người Việt Nam quyết tâm chiến thắng đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Để Chương trình Vinh quang Việt Nam được duy trì lâu dài, ngày càng có ý nghĩa thiết thực hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu, tạo điều kiện cho họ phát huy sáng kiến và năng lực, kịp thời tôn vinh họ một cách thường xuyên, thông qua đó tạo sự lan tỏa rộng rãi, động viên kịp thời các phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tăng thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh của dân tộc.
 Các cá nhân được vinh danh tại chương trình. 
 9 tập thể, cá nhân được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam”: 
Về tập thể:
1. Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Bộ Quốc phòng: Xây dựng Mạng lưới Viettel thành nhà mạng duy nhất Việt Nam tự quy hoạch, thiết kế và xây dựng mạng viễn thông của người Việt. Tổng công ty đã huy động nguồn lực tối đa, tập trung xây dựng Mạng lưới Viettel thành mạng viễn thông rộng khắp toàn quốc, lớn nhất Việt Nam. Đồng thời tiên phong lựa chọn, làm chủ công nghệ hiện đại, không phụ thuộc vào đối tác. Đây chính là yếu tố quyết định thành công của mạng di động Viettel.
2. Cục phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng: Chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống ma tuý và tội phạm. Trực tiếp chủ trì điều tra, đấu tranh thắng lợi 153 chuyên án/328 đối tượng; phát hiện, bắt giữ 730 vụ/1.839 đối tượng tội phạm ma túy. Chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp điều tra cơ bản 1.126 hồ sơ địa bàn, 100 chuyên đề nghiệp vụ, 74 tuyến hoạt động của tội phạm ma túy, buôn lậu; 1.039 hồ sơ địa bàn, 27 tuyến trọng điểm về mua bán người…
3. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạolà tập thể tiêu biểu dẫn đầu toàn quốc về năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ngành và đất nước trong 10 năm qua. Quy mô đào tạo đại học chính quy từ 50.000 sinh viên năm 2009 tăng đến trên 60.000 sinh viên năm 2019.
Trong 10 năm qua, ĐHQG-HCM đã không ngừng nổ lực, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Tiên phong triển khai thành công: Mô hình CDIO; Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; giải pháp tài chính đại học…
 Ông Nguyễn Khắc Định và ông Nguyễn Đình Khang trao biểu trưng “Vinh quang Việt Nam” tới các tập thể. Ảnh: Hải Nguyễn. 
Về cá nhân: 
1. Bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược, Tập đoàn TH, tỉnh Nghệ An. Với tầm nhìn, sứ mệnh nhân văn và định hướng kinh doanh “Vì sức khỏe cộng đồng”, bà Thái Hương đã lãnh đạo Tập đoàn TH đã vươn tới tầm quốc tế, xây dựng thương hiệu TH true MILK một cách đồng bộ cho hơn 70 sản phẩm sữa tươi sạch và nhiều nhóm sản phẩm đồ uống mới ngoài sữa. Cá nhân bà có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sáng kiến giải pháp trong lao động, sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cao.
2. Sinh viên Nguyễn Văn Nhã. Chiều 30.4.2021, khi đang tắm tại biển xã Phú Thuận, Nguyễn Văn Nhã (23 tuổi, sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) phát hiện 3 bạn nữ bị sóng cuốn xa bờ nên bơi ra ứng cứu. Sau khi cứu được các bạn vào bờ, Nhã đuối sức và bị sóng cuốn trôi ra xa. Sau 30 phút tìm kiếm, đội cứu hộ tại bãi biển Phú Thuận đã tìm thấy thi thể Nhã.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người thân của sinh viên Nguyễn Văn Nhã không thể ra dự chương trình. Biểu trưng vinh danh sinh viên Nguyễn Văn Nhã sẽ được gửi về địa phương để trao tới gia đình sinh viên Nguyễn Văn Nhã.
3. Ông Trương Thái Sơn - công nhân Đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Từ năm 2006 đến nay, ông Sơn đã có gần 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác và làm giáo trình đào tạo công nhân mới. Các sáng kiến có giá trị làm lợi cho tổng công ty và ngành điện nhiều tỉ đồng.
4. Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Hồng Hà, Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái- là người sáng lập, lãnh đạo công ty và trực tiếp nghiên cứu, sáng chế, sản xuất ra các loại máy chế biến nông sản phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ đó, đã sản xuất hàng nghìn máy và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh với phương châm giá thành phù hợp với túi tiền của người nông dân, độ bền cao, dễ sử dụng phù hợp với trình độ của người nông dân…
5. Bà Huỳnh Thị Phương Liên - chuyên gia cao cấp Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 01 (VABIOTECH), Bộ Y tế. Trong suốt quá trình công tác, bà đã nghiên cứu sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất từ não chuột thành công (là công nghệ tiếp nhận chuyển giao của Viện BIKEN thuộc trường Đại học OSAKA, Nhật Bản. Vaccine thế hệ 1). Năm 1997 đưa vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em 1-5 tuổi toàn quốc (lúc đó giá chỉ 7.000 đồng/2 liều trẻ em), làm giảm tỉ lệ mắc, chết và di chứng thần kinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
6. PGS, TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên)- là nhà khoa học nữ đầy tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam. Thành tựu đáng chú ý là nghiên cứu, lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lợi ích kinh tế cao.
Bên cạnh đó, PGS-TS Trần Thị Thu Hà còn tập trung nghiên cứu và ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào xác định đúng loài và hoạt tính dược liệu phục vụ cho việc tạo ra giống tốt, trồng với quy mô công nghiệp, giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam…