Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chụp ảnh kỷ yếu: Thiếu một định hướng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đang thời điểm nước rút học, ôn tập chuẩn bị cho mùa thi sắp tới, nhưng không chỉ học sinh (HS) lớp 12 mà nhiều HS lớp 9 ở Hà Nội lại đang lãng phí thời gian, tiền bạc cho những bộ ảnh kỷ yếu.

Chạy theo mốt
Với tâm lý con học cuối cấp (cấp 2, cấp 3) nhiều phụ huynh dù không dư dả cũng cố dành dụm 2 - 3 triệu đồng tiền quỹ lớp cho các con thuê đạo diễn hình ảnh, nhiếp ảnh chuyên nghiệp... ghi hình làm kỷ yếu. Nhiều ý kiến cho rằng, phong trào chụp ảnh kỷ yếu của HS đang bị tác động mạnh theo lối sống "ảo" khiến các bậc phụ huynh tốn kém một khoản không nhỏ mà không mang lại giá trị thực tế.
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Một phụ huynh có con học lớp 9 trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết, năm nay con học cuối cấp, nhất là chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp 3 nên khá tốn kém, nào tiền học thêm, rồi đủ các loại tiền quỹ. “Buổi họp phụ huynh chuẩn bị kế hoạch học kỳ 2, gia đình đã đóng quỹ lớp hơn 2 triệu đồng cho con. Số tiền này, Ban phụ huynh lớp nói để tổ chức liên hoan, chụp ảnh kỷ niệm... Kinh tế khó khăn, nhưng vì muốn mọi việc suôn sẻ, không ảnh hưởng đến con nên gia đình cũng cố lo cho cháu” – phụ huynh này chia sẻ. Nguyễn Mạnh Quân - HS trường THPT Phan Huy Chú cho biết, kết thúc 12 năm học, phải chia tay bạn bè, thầy cô giáo nên ảnh kỷ niệm phải đẹp và độc. “Con gái phải mặc áo dài trắng, con trai mặc comle thắt cravat để chụp hình chung cả lớp làm kỷ niệm. Ngoài ra, các bạn tự thuê thêm trang phục yêu thích để ghi hình thật đẹp, lạ và đặc sắc... Những bộ ảnh đẹp sẽ là kỷ niệm không thể quên một thời “áo trắng học trò”” – Quân tâm sự. Cũng với suy nghĩ như vậy, các bậc phụ huynh muốn con em mình được bằng bạn, bằng bè, được xả hơi chuẩn bị cho cuộc hành trình mới, nên gần như mọi yêu cầu vào thời điểm này đều được đáp ứng.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trường không có quy định bắt buộc về việc chụp ảnh kỷ yếu của khối lớp 12, các em đều tự quyết định. “Vài năm trở lại đây, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu đang trở nên thịnh hành theo hướng đầu tư quá nhiều công sức, tiền bạc. Không chỉ trường tôi mà cả các trường bạn ở Hà Nội hay các tỉnh, TP khác, đều thấy các em đang tốn không ít thời gian, tiền bạc cho hoạt động này” - ông Bình khẳng định. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Anh - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cũng cho biết, có nhiều trường hợp, HS thuê 5, 7 bộ quần áo cho mỗi thành viên, chụp ảnh trong trường không đủ, phải vào resort để có ngoại cảnh đẹp. Nhiều em về xin tiền bố mẹ 500-600 ngàn đồng để chụp ảnh mà không mảy may bận tâm đến gánh nặng kinh tế gia đình.
Nguy cơ tai nạn
Trước việc HS chạy theo mốt làm ảnh kỷ yếu, nhiều người lo lắng cho rằng, không nhất thiết phải thuê mướn trang phục này trang phục kia gây tốn kém. Hơn thế, nhiều HS tự ý rủ nhau đến điểm A, điểm B chụp ảnh, ghi hình... là nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Chuyền - phụ huynh HS lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho rằng, cuối năm, nhà trường nên dành thời gian trao đổi với HS về ý nghĩa của hoạt động này, làm sao để chụp ảnh, liên hoan cuối cấp gọn nhẹ, lành mạnh, tiết kiệm, đặc biệt là đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Quốc Bình cũng công nhận, ngoài lãng phí về tiền bạc, thời gian, điều mà nhà trường cũng như phụ huynh lo ngại là sự mất an toàn khi HS tự đứng ra tổ chức các chuyến đi để chụp ảnh. Nào thì ra sông hồ, đi leo núi, đến các bến bãi cũ, bỏ hoang… toàn những địa điểm rất dễ xảy ra tai nạn, nguy hiểm. Nếu chủ quan, để các em tự đi với nhau sẽ không tránh khỏi nguy hiểm tới tính mạng như trường hợp vừa xảy ra tại biển Cửa Lò, 2 nam sinh lớp 12 bị sóng cuốn khi đang chụp ảnh kỷ yếu. “Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cần chỉ đạo các trường quan tâm tới hoạt động này. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt, phối hợp định hướng cho HS tổ chức chụp ảnh kỷ yếu một cách phù hợp, đạt giá trị tinh thần, ghi lại đúng hình ảnh học trò trong sáng có ước mơ, hoài bão chứ không phải chỉ là cảnh vui, người đẹp để khoe trên mạng theo kiểu sống ảo” - ông Bình đề xuất.
Có thể thấy, để HS có cách nhìn đúng và "ứng xử" đúng với việc chụp ảnh kỷ yếu, rất cần có sự định hướng của thầy cô, cha mẹ. Không phải vô cớ mà nhiều người còn cho rằng nhà trường cần có những quy định rõ ràng về việc này; giúp các em hiểu được giá trị của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phân tích cho các em hiểu việc quá lãng phí thời gian, tiền bạc vào những việc không cần thiết. Các lớp, nhóm muốn chụp ảnh kỷ yếu cần phải có kế hoạch với nhà trường, ban phụ huynh và có người lớn cùng giám sát để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.