Việc làm nói trên đã gây nhiều tranh luận trái chiều. Người thông cảm thì cho rằng: Cả đời người ta chỉ có một lần, mình đi vòng một chút cũng không sao. Nhưng cũng có không ít người “ném đá không thương tiếc” khi nói: Muốn làm hoành tráng thì ra khách sạn, đã tiết kiệm thì cũng biết nhìn trước ngó sau. Tiện cho công việc nhà mình, nhưng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng là điều không thể chấp nhận được…Chuyện tưởng chỉ trên mạng, không ngờ trong buổi gặp nhau đầu tuần của các cụ hưu trí phố tôi cũng đem ra mổ xẻ. Người “nổ phát súng đầu tiên” là ông Thạch. "Theo tôi, việc dựng rạp tổ chức đám cưới cho con dưới lòng đường là không ổn. Cả phố chỉ có lối vào ra thuận tiện lại dựng rạp choán hết không chừa cả lối đi bộ thì quá đáng lắm!" - ông Thạch nói.Nhưng rồi ông Huấn nhẹ nhàng: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ai có điều kiện mới cưới hỏi cho con cháu ở nhà hàng, khách sạn được. Như nhà tôi đấy, đã 2 đám cưới con, 3 đám cưới cháu vẫn tổ chức tại nhà nhưng có phiền phức đến bà con khối phố đâu? Vấn đề là ý thức, nhà mình chật chội, khi có việc phải nhờ vả bà con khối phố thì phải làm nhanh gọn, tránh ồn ào và đặc biệt là làm ảnh hưởng đến giao thông thì vẫn ổn như thường.Thấy chuyện có dấu hiệu căng thẳng, ông Thảo vội chen ngang: Tôi chuẩn bị cưới cho thằng út, nhà tuy mặt ngõ nhưng bề rộng chỉ hơn 4m, gia cảnh cũng tùng tiệm nên tôi dự định mượn nhà văn hóa phường tổ chức cho rộng rãi, ý các ông thế nào?Nghe xong, các cụ đều đồng tình, lý giải rằng, nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa rộng rãi, vừa thoáng mát, lại không ảnh hưởng đến ai. Thế nên, việc tổ chức đám cưới ở đấy thấy hợp lý hơn cả.