Chuyện bảo vệ voi ở Đồng Nai

Theo laodongthudo.vn
Chia sẻ Zalo

Đàn voi ở rừng Đồng Nai hiện có vài chục con. Từ hơn chục năm nay, do địa bàn kiếm ăn bị thu hẹp nên voi thường xuyên kéo về tàn phá các rẫy điều, xoài, mía, tạo sự xung đột giữa voi và người.

Ngăn voi phá rẫy

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai đã thực hiện dự án lắp hàng rào điện tử. Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, hệ thống hàng rào điện tử nằm trong dự án khẩn cấp bảo vệ voi rừng đoạn qua địa bàn huyện này vừa được đóng điện đưa vào vận hành. Hệ thống hàng rào điện tử dài 15km, đi qua khu vực ấp 5, (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán), kết nối với 50km hàng rào điện tử được xây dựng từ năm 2017, tạo thành hàng rào điện dài 65km nối giữa huyện Định Quán đến huyện Vĩnh Cửu, ngăn đàn voi rừng tiếp cận khu vực sinh sống, các nương rẫy của người dân.

Hàng rào điện tử sẽ giảm sự xung đột giữa voi và người.
Hàng rào điện tử sẽ giảm sự xung đột giữa voi và người.
Hệ thống hàng rào điện tử lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V, đặt tại các trạm dọc theo hàng rào. Các trạm này cách nhau 5km, các bình ắc quy tích điện rồi thông qua bộ phát xung điện, nâng hiệu điện thế lên khoảng từ 6.000V - 11.000V rồi phát vào hàng rào dây cáp điện. Dòng điện truyền qua đường dây cáp hàng rào được phát ra theo hình thức bật - tắt. Cứ 1/3 giây dòng điện lại được bật - tắt một lần.

Với cơ chế hoạt động này, khi động vật hoặc người đụng vào hàng rào sẽ bị giật văng ra, gây choáng, không nguy hiểm đến tính mạng. Đối với đàn voi, khi chúng chạm vào hàng rào sẽ bị giật, từ đó hoảng sợ không dám lại gần. Quá trình vận hành, lực lượng kiểm lâm cũng phải chịu trách nhiệm giám sát thường xuyên. Trong trường hợp hàng rào bị lỗi, thiết bị điện tử sẽ tự động gửi tin nhắn vào điện thoại của bộ phận quản lý thông báo địa điểm bị sự cố để lực lượng chức năng xử lý kịp thời.

Trước đó, từ năm 2017, dự án hệ thống hàng rào điện tử được đầu tư với tổng vốn hơn 85 tỷ đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai với mục đích bảo vệ đàn voi vài chục con còn sót lại. Dự án hàng rào đi qua các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (huyện Định Quán) dài 50km, cao 2,2m được gắn 4 sợi cáp điện, giăng trên các trụ xi măng kéo dài bao quanh cửa rừng, bìa rừng. Cách một đoạn ngắn, trên hàng rào lại treo một biển cảnh báo nguy hiểm. Tùy từng khu vực, hệ thống hàng rào sẽ thiết kế các cửa để người dân có thể đi qua.

Những năm gần đây, các khu vực đã có hàng rào không còn xảy ra tình trạng voi ra khu vực dân cư phá hoại hoa màu. Riêng tại khu vực ấp 5, xã Thanh Sơn chưa có hàng rào điện tử nên đàn voi vẫn thường ra đây để kiếm ăn, gây thiệt hại hoa màu và đe dọa tính mạng người dân. Hàng năm, chính quyền huyện Định Quán vẫn phải chi ngân sách để hỗ trợ người dân bị thiệt hại tài sản do voi rừng tràn ra tàn phá mùa màng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, sau khi 50km hàng rào điện tử ban đầu đem lại hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Chi cục tiếp tục xây dựng hàng rào điện tử giai đoạn 2 (đoạn từ xã Thanh Sơn của huyện Định Quán đến xã Tà Lài của huyện Tân Phú) dài 25km, tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đoạn qua huyện Định Quán đã làm xong còn đoạn 10km qua xã Tà Lài (huyện Tân Phú) vẫn chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng. Khi phần hàng rào còn lại qua huyện Tân Phú được triển khai xong, lúc đó đàn voi rừng sẽ được ngăn cách hoàn toàn với khu dân cư sinh sống và canh tác.

Bảo tồn voi rừng

Tỉnh Đồng Nai hiện có diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ với khoảng 172.700ha, với nhiều động vật quy hiếm, trong đó có đàn voi Châu Á hiện hơn 20 con. Nhiều năm nay, voi thường xuyên kéo ra rẫy của người dân phá hoại hoa màu, chòi rẫy, thậm chí hung hăng tấn công người dân. Để tránh xung đột giữa voi và người, tỉnh Đồng Nai đã cố gắng triển khai hàng rào điện để ngăn đàn voi.

Voi rừng thường xuyên xuất hiện, gây hại cho mùa màng cho người dân.  
Voi rừng thường xuyên xuất hiện, gây hại cho mùa màng cho người dân.  

Cùng với đó, việc đàn voi quý hiếm bị chết dần chết mòn đang gây nhiều lo lắng trong công tác bảo tồn. Hơn chục năm qua, có gần chục con voi đã chết mà lực lượng chức năng không làm rõ được nguyên nhân. May mắn, vài năm gần đây không xảy ra tình trạng đau lòng này và còn có thêm vài chú voi con được ra đời. Trong khi đó, voi được người dân địa phương rất coi trọng và thường gọi voi một cách kính trọng là “ông bồ”.

Gần đây vào ngày 8/4, tại ấp 3, xã Thanh Sơn, một con voi rừng to lớn thoát qua khu vực không có hàng rào điện tử, di chuyển đến khu vực rẫy gần nhà dân rồi quật bị thương một con bò, tấn công người dân địa phương. Mỗi khi voi xuất hiện, người dân cùng đội “phản ứng nhanh” của xã phải đốt lửa, khua xoong nồi, chiếu đèn pha, dùng loa phóng thanh, gây tiếng động lớn để xua đuổi voi nhưng nhiều khi không còn có nhiều tác dụng do đàn voi không hề tỏ ra sợ hãi.

Còn tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai (thuộc huyện Vĩnh Cửu), trong 6 tháng đầu năm 2023, đàn voi đã hơn chục lần tìm ra tận hàng rào điện tử thuộc khu vực rừng tự nhiên, nhưng không thể vượt qua rào. Voi ra tận khu vực nhà làm việc của Trạm Kiểm lâm Đakinde, ăn hết chuối quanh trạm và ở lại đây 2 ngày sau mới rời đi.

Đại diện Chi cục kiểm lâm Đồng Nai cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức bảo vệ môi trường Humane Society International tại Việt Nam (HSI) đã bàn giao cho Chi cục một số thiết bị phục vụ chương trình giám sát voi và vùng sinh cảnh. Dự án này sẽ làm các công việc nghiên cứu, giám sát, giúp tìm hiểu căn nguyên, phân tích rõ nhu cầu cần kíp của tự nhiên để có kế hoạch bảo tồn hiệu quả, bền vững.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, sau khi 50km hàng rào điện tử ban đầu đem lại hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Chi cục tiếp tục xây dựng hàng rào điện tử giai đoạn 2 (đoạn từ xã Thanh Sơn của huyện Định Quán đến xã Tà Lài của huyện Tân Phú), dài 25km, tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đoạn qua huyện Định Quán đã làm xong còn đoạn 10km qua xã Tà Lài (huyện Tân Phú) vẫn chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng. Khi phần hàng rào còn lại qua huyện Tân Phú được triển khai xong, lúc đó đàn voi rừng sẽ được ngăn cách hoàn toàn với khu dân cư sinh sống và canh tác.