Chuyện bên ngoài rào phong tỏa ở Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chiếc bánh nóng hổi, hay túi rau, con cá; chăm giúp đàn lợn hay thu hoạch nông sản… Những việc làm giản đơn nhưng lại mang cả tấm lòng của bà con hướng về vùng tâm dịch. Họ chỉ mong muốn phần đóng góp của mình sẽ giúp đồng bào đang ở bên trong khu cách ly, vùng phong tỏa thêm yên tâm và có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn.

Tình người nơi tâm dịch
Gần 2 tuần qua, đều đặn mỗi ngày, chị em phụ nữ xóm 23 (thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) gói bánh, làm đồ uống mang tặng cho những người ở khu cách ly và làm nhiệm vụ ở chốt kiểm dịch.
 Chị em phụ nữ gói bánh tặng người trong khu cách ly và làm nhiệm vụ ở chốt kiểm dịch.
Tất cả nguồn nguyên liệu để thực hiện đều do chị em đóng góp, từ những chiếc hộp, đôi đũa ăn an toàn, thân thiện môi trường cho đến rau, củ quả… Món ăn cũng thường xuyên được thay đổi để chống ngán, ngày thì bánh bò, ngày bánh gói, khi thì nước ép cà chua, khi sữa gạo, sữa đậu nành.
“Chị em không ngại khó đâu, tranh thủ sắp xếp công việc gia đình xong là đi hái lá, chuẩn bị bột, mỗi người mỗi việc. Hôm nào bánh cũng được chuyển đến khu cách ly khoảng 6 giờ để kịp bữa ăn sáng”, chị Huỳnh Thị Mai - Chi hội trưởng phụ nữ thôn Vùng 5 chia sẻ.
Xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) là vùng tâm dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi với hàng trăm ca mắc bệnh, hàng nghìn F1, F2. Dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn, nhiều gia đình phải đi cách ly tập trung, không có người quán xuyến nhà cửa, công việc đồng áng.
 Chăm sóc đàn heo cho gia đình đang đi cách ly y tế.
Trước tình hình đó, chị Nguyễn Thị Nương và Trần Thị Thủy là hội viên phụ nữ thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu hàng ngày tình nguyện đến nhà giúp các gia đình đi cách ly để chăm sóc gia súc, gia cầm. Đồng thời trông coi nhà cho các hộ gia đình để họ yên tâm đi cách ly tập trung. 
Chị Trà Thị Lệ - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đức Phổ cho biết: “Dịch bùng phát, chị em phụ nữ ở thị xã phát huy cao tinh thần “tương thân tương ái”, vừa hỗ trợ nhau, vừa giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ai cũng mong dịch bệnh sớm qua để trở lại cuộc sống bình thường”.
Cho đi là nhận lại
Nửa tháng qua, đi đến địa phương nào ở Quảng Ngãi cũng dễ dàng bắt gặp "Quầy hàng 0 đồng" hay những chuyến xe chở nặng hàng hóa gửi tặng... Nhiều cá nhân, tổ chức không chỉ trực tiếp giúp đỡ mà còn kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ y bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội, dân quân và người dân trong vùng dịch, trong khu cách ly.
Đang trong thời gian cách ly tập trung, chị Nguyễn Thị Thu M. ở xã Nghĩa Phương không thể thu hoạch được những hầm giá đỗ gieo ở bãi bồi sông Vệ. Huyện đoàn Tư Nghĩa đã huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ chị M. thu hoạch. 
 Đoàn viên thanh niên huyện Tư Nghĩa thu hoạch giá đỗ cho ga đình chị Nguyễn Thị Thu M. ở xã Nghĩa Phương 
Anh Lê Thành Ngân - Bí thư Huyện đoàn Tư Nghĩa cho biết: "Chị M. thuộc trường hợp F1 nên đang cách ly tập trung tại Khu cách ly trường Đại học Tài chính - Kế toán. Các thành viên trong gia đình chị thuộc trường hợp cách ly y tế tại nhà nên không thể ra ngoài để thu hoạch giá đỗ. Chúng tôi đã huy động 6 đoàn viên, thanh niên đến thu hoạch giúp gia đình". 
Điều đáng trân trọng là, với tinh thần "của ít, lòng nhiều", chị M. đã gửi tặng 200kg giá đỗ cho các khu cách ly trên địa bàn huyện Tư Nghĩa để phục vụ bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu và bà con đang ở bên trong.
Góp sức chống dịch, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh sẵn sàng sẻ chia cùng nhau trong lúc khó khăn. Ai có gì góp nấy, người thì chục ký gạo, người thì cá, mắm. Có cụ già có quả bầu cũng cầm lên, nhiều người cho nguyên cả ruộng rau để hỗ trợ vùng cách ly, phong tỏa.
 Người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi tặng rau cho khu cách ly.
Bà Nguyễn Thị Thủy (thôn 6, xã Nghĩa Dũng) nói: “Mình nhà nông, trồng rau là chủ yếu. Rau lại đang vào độ thu hoạch nên góp hơn 1 tạ, nhờ mấy chị phụ nữ chuyển vào cho bà con khu cách ly. Bữa cơm có thêm chút rau ăn cũng mát lòng”.
Ông Đặng Tấn thời (xã Tịnh Long) vừa cắt đám rau muống mơn mởn để gửi cho các đoàn thể trong xã mang đi “chống dịch” vừa cười chất phác: “Mình nông dân có gì quý giá đâu. Thời gian bà con cách ly, mình có gì thì hỗ trợ cái đó để chia sẻ cùng nhau lúc khó khăn, nhanh vượt qua đại dịch. Cho đi, chính là nhận lại”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần