Chuyển biến về hợp tác giải quyết nỗi đau da cam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các phiên điều trần về chất da cam của Hạ viện Hoa Kỳ, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế và cuộc đấu tranh không ngừng của nhân dân tiến bộ trên thế giới đã góp phần ủng hộ mạnh mẽ đối với các nạn nhân da cam Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành công lý.

KTĐT - Các phiên điều trần về chất da cam của Hạ viện Hoa Kỳ, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế và cuộc đấu tranh không ngừng của nhân dân tiến bộ trên thế giới đã góp phần ủng hộ mạnh mẽ đối với các nạn nhân da cam Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành công lý.

Ngày 15/7 tới, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ 3 về vấn đề chất độc da cam/dioxin do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nhằm xem xét cách thức đáp ứng yêu cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và những người bị phơi nhiễm chất độc này.

Phiên điều trần do Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga, Chủ tịch tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ triệu tập.

Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã khẳng định rằng sau tất cả những nỗ lực trong hoạt động ở cả bốn kênh về vấn đề chất độc da cam Việt Nam gồm Chính phủ Việt Nam-Hoa Kỳ; Nhóm đối thoại Việt Nam-Hoa Kỳ về chất độc da cam/dioxin; VAVA và cuộc đấu tranh chung của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đã góp phần làm chuyển biến thái độ của phía Hoa Kỳ trong hợp tác giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin.

Ông Trần Xuân Thu nhấn mạnh rằng sự chuyển biến này thể hiện ở cả nhận thức và hành động của phía Hoa Kỳ, không chỉ với công luận, dư luận xã hội mà còn có các chính khách, mặc dù đây mới chỉ là những chuyển biến ban đầu, còn khiêm tốn.

Trước hết, phía Hoa Kỳ, trong đó có cả các nhà chính khách đã công nhận, đề cập tới các nạn nhân chất độc da cam, không còn tránh né và coi các nạn nhân chỉ là những người khuyết tật như trước.

Thứ hai, phía Hoa Kỳ đã cố gắng đưa ra các phương pháp, khoa học công nghệ cũng như kinh phí tẩy độc điểm "nóng" dioxin ở Đà Nẵng.

Mới đây nhất, vào giữa tháng Sáu, Nhóm đối thoại Việt Nam-Hoa Kỳ về chất độc da cam/dioxin cũng đã đề ra kế hoạch hành động gồm 3 giai đoạn trong 20 năm, dự kiến kinh phí hoạt động khoảng 300 triệu USD ưu tiên cho chăm sóc sức khỏe các nạn nhân và cải thiện môi trường.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thay mặt 3 triệu nạn nhân cảm ơn nỗ lực không mệt mỏi, công sức của Nhóm đối thoại Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm góp phần giải quyết triệt để vấn đề da cam ở Việt Nam, không chỉ vì lý do nhân đạo mà còn mong muốn tạo điều kiện cho hai dân tộc tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác.

Chương trình hành động trong 10 năm với số kinh phí 300 triệu USD quả là rất đáng trân trọng khi Việt Nam còn nghèo, nhu cầu của nạn nhân lại rất lớn.

Tuy nhiên VAVA khẳng định rằng chương trình này còn xa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế của vấn đề chất độc da cam liên quan đến con người và môi trường. Các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cũng rất mong muốn chương trình sớm được triển khai trong thực tế.

Ông Charles Bailey - Giám đốc Tổ chức sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin của Quỹ Ford và bà Susan Berresford - nguyên Chủ tịch Quỹ Ford đều khẳng định rằng hoàn toàn có thể giải quyết được ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người và môi trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi nguồn lực lớn và Chính phủ Hoa Kỳ nên đóng vai trò chính đáp ứng kinh phí, cùng với các nhà tài trợ bổ sung nguồn lực cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong nỗ lực giải quyết hậu quả chất độc da cam.

Thượng Nghị sĩ Tom Harkin - Chủ tịch Ủy ban Y tế-Giáo dục-Lao động và Lương hưu của Thượng nghị viện Hoa Kỳ mới sang thăm Việt Nam đầu tháng Bảy vừa qua đã chia sẻ đau thương, mất mát của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Ông cũng nói rằng Hoa Kỳ phải coi việc giải quyết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam là đạo đức, là trách nhiệm của những người đã gây ra hậu quả đó, mặc dù để giải quyết được vấn đề này không phải là điều dễ dàng.

Ông khẳng định rằng vấn đề da cam không chỉ là nỗi đau của Việt Nam mà còn là nỗi đau của nhiều gia đình người dân Hoa Kỳ.

Các phiên điều trần về chất da cam của Hạ viện Hoa Kỳ, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế và cuộc đấu tranh không ngừng của nhân dân tiến bộ trên thế giới đã góp phần ủng hộ mạnh mẽ đối với các nạn nhân da cam Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành công lý.

Hạ Nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga chính là người đề xuất và điều hành hai phiên điều trần về vấn đề da cam/dioxin Việt Nam diễn ra vào tháng 5/2008 và tháng 6/2009.

Khác với 2 phiên điều trần trước đó, tại phiên điều trần lần 3 vào 15/7/2010, lần đầu tiên có đại diện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và nạn nhân tham dự. Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó Chủ tịch VAVA; chị Trần Thị Hoan, 23 tuổi, nạn nhân thế hệ thứ 2, bị cụt 2 chân và 1 tay, đang là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cá nhân Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAVA, ông Trần Xuân Thu cũng như 3 triệu nạn nhân da cam Việt Nam đều mong muốn rằng phiên điều trần đầu tiên có sự hiện diện của nạn nhân sẽ thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của phía Hoa Kỳ tiến lên một bước mới./.