Chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/9, Cục Công nghiệp, báo Tuổi trẻ và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo đã chỉ ra nguyên nhân của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp.

Nắm bắt cơ hội liền sau thách thức

Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty cơ khí hỗ trợ, Tập đoàn Thaco Trường Hải chia sẻ: "Đại dịch Covid-19 nổ ra, nhiều nhà máy, DN lắp ráp ô tô tại Việt Nam phải dừng hoạt động vì bị đứt gãy nguồn cung ứng. Cửa thị trường xuất khẩu khép lại, nhưng Thaco Trường Hải thì liên tục đẩy mạnh xuất khẩu và xuất khẩu sang các thị trường mà ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, Thaco Trường Hải còn liên tục nhận các đơn hàng mới xuất khẩu 15.000 sơ mi rơ - mooc sang Mỹ. Mục tiêu đến 2025, Thaco Trường Hải đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD".

Theo ông Đỗ Minh Tâm, để có được cơ hội trên, trước đó Thaco Trường Hải đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để đổi mới hoàn thiện công nghệ, cơ cấu lại bộ máy và thực hiện số hóa toàn diện.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Phil Kym Choi - chuyên gia quản lý DN nhỏ và vừa, Giám đốc khối DN Hàn Quốc tại Việt Nam thông tin: Sự chuyển dịch sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Covid-19 và chính sách Zero Covid của Trung Quốc là hồi còi chính thức thông báo cho sự dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á nói chung, trong đó có Việt Nam. Sự dịch chuyển này vừa tạo ra chuỗi đứt gãy vừa là rung chấn mạnh tác động lớn đến các nhà sản xuất phụ trợ tại các nước trong khu vực, khiến nhiều doanh nghiệp bị mất khách hàng, mất đơn hàng, bị điều tra áp thuế chống bán phá giá…

Phía sau sự dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều rung chấn lớn nhỏ liên tục xảy ra là hàng loạt các cơ hội cần được đánh giá để chính quyền địa phương, cộng đồng DN nắm bắt xây dựng chính sách mới; chuyển hướng đầu tư, tái cơ cấu lại chiến lược, bộ máy.

Đó là sự chuyển đổi từ các khu công nghiệp quy mô lớn sang cụm công nghiệp do tập đoàn kinh tế quản trị điều hành nhằm chủ động tạo ra chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp phụ trợ phục vụ tập đoàn và các DN trong cụm. Thành lập cụm công nghiệp gắn kết với viện nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, trường đại học nhằm sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh… Đây là kinh nghiệm thành công từ Hàn Quốc trước đây.

Câu chuyện từ Bình Dương

Tại hội thảo, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận: "Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của Bình Dương vẫn tăng trưởng trên 7% và là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư. Bên cạnh các thành tựu về phát triển thì Bình Dương cũng đang đứng trước thách thức về sự dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu".

Hiện tại Bình Dương có trên 50.000 DN, trong đó có 2.277 DN quy mô công nghiệp, nhưng số lượng DN công nghiệp phụ trợ đang có số lượng khiêm tốn. Đồng thời, sức phát triển của tỉnh cũng chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” sẽ mang lại nhiều giải pháp thiết thực cho địa phương và cộng đồng DN...

Ông Prebon Elnep - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego Việt Nam (100% vốn Dan Mạch) vừa triển khai đầu tư 1 tỷ USD tại KCN VSIP II tại Bình Dương chia sẻ: Dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với tầm nhìn xuyên thế kỷ.

“Lý do để Tập đoàn Lego chọn Bình Dương - Việt Nam triển khai 1 trong 5 nhà máy tại châu Á là vì Bình Dương có nền tảng tốt, có nhiều đối tác hợp tác và phong phú cơ hội phát triển” - ông Prebon Elnep nói.

Tự tin là tập đoàn công nghiệp 100% vốn Việt Nam, ông Đỗ Minh Tâm - Tập đoàn Thaco Trường Hải phân tích: "Thaco Trường Hải chọn Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương làm đối tác hợp tác nhằm vừa đổi mới công nghệ, nắm bắt cơ hội và phát huy thế mạnh sẵn có, vì Bình Dương là thủ phủ công nghiệp với đa dạng ngành nghề, vừa là trung tâm sản xuất vừa là thị trường tiêu thụ lớn".

 

"Khu vực Đông Nam Bộ có lợi thế về dân số, trung tâm đào tạo, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Năng lực DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức thấp (36%) so với khu vực. Chính sách thu hút đầu tư (FDI) chỉ dừng lại ở mức khuyến nghị nhưng chưa có chính sách ràng buộc sử dụng sản phẩm nội địa hóa. Đây vừa là yêu cầu cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp ứng phó và nắm bắt tốt cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi úng toàn cầu" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh