Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ cá thể hiện vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi vì lo ngại phát sinh chi phí, thủ tục.
Ngại thủ tục, phiền hàChị Thanh Hà, một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, kinh doanh tại chợ đã 15 năm nay, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ sẽ đổi thành DN. Bởi theo chị, nếu thành DN thì thủ tục cũng như các loại quy định sẽ phải áp dụng, rồi các loại thuế DN, chi phí thuê kế toán, phải báo cáo sổ sách... Nhất là gánh nặng thanh tra, kiểm tra rất phức tạp, trong khi mô hình hộ cá thể thì không lo đến chuyện này.
Theo nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh vẫn chọn mô hình kinh doanh nhỏ lẻ thay vì DN, vì thực tế mô hình này vẫn có những lợi thế nhất định so với DN. Nếu đăng ký thành lập DN sẽ mất thời gian và chi phí. Vấn đề tuyển dụng, sa thải lao động hoặc giải thể DN cũng phải theo đúng quy định, trong khi với hộ kinh doanh cá thể thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản; lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN.
|
Một cửa hàng kinh doanh hộ gia đình trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng |
Số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 4,9 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655.000 tỷ đồng, tạo ra 2.188.000 tỷ đồng doanh thu, nộp thuế 12.362.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7,945 triệu lao động. Trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh rất tốt, thậm chí vượt cả các DN nhỏ và vừa, có đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình hộ kinh doanh. Theo khảo sát thực tế 6 tỉnh của CIEM, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện đủ điều kiện phải chuyển thành DN, nhưng số có dự định chuyển lên DN ít, số thực chuyển còn ít hơn.
“Hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN có 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là kinh doanh chân chính ngại lên DN vì sợ thủ tục. Nhóm thứ 2 là lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp. Nhóm thứ hai này là đối tượng để cơ quan thuế có những chính sách quản lý, thúc đẩy chuyển đổi lên DN” - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Bộ Tài chính) Tạ Thị Phương Lan đánh giá.
Áp dụng quản lý điện tửTính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động, trong đó 60% trong số này nằm trong khu vực phi chính thức. Nếu chuyển được số hộ này lên thành DN thì một số lượng lớn lao động phi chính thức sẽ chuyển sang khu vực chính thức, có hợp đồng lao động, được đóng BHXH bắt buộc và có điều kiện lao động tốt hơn. Khi chuyển đổi hoạt động của các hộ kinh doanh thành DN, chất lượng lao động sẽ được nâng lên, do điều kiện làm việc, thu nhập, phúc lợi ổn định. Bên cạnh đó, đạt được mục tiêu tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh...
Thực tế, theo quy định hiện nay, DN chỉ bị thanh kiểm tra tối đa một năm/lần. Chính phủ đã có Nghị quyết 19 cho các cơ quan sử dụng kết quả của nhau để bớt chồng chéo. DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang được hưởng các ưu đãi như DN khởi nghiệp, trong đó có các ưu đãi về thuế.
Bà Lan cho biết, tới đây, cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh, khi đó sẽ không còn toàn bộ là khoán theo cách buông lỏng như hiện nay, mà sẽ quản lý điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn. Bên cạnh đó, khi tất cả DN, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì các thủ tục về hóa đơn như hiện nay sẽ được bãi bỏ. Nếu thực hiện được điều này sẽ góp phần tích cực vào việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.