Buổi tọa đàm đã gợi mở ý tưởng trong việc chuyển đổi các khu công nghiệp cũ của Hà Nội hiện nay thành những không gian sáng tạo theo đúng quy hoạch.
Theo nguyên tắc, khó sáng tạoTọa đàm diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu hụt các không gian công cộng và 92 cơ sở công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang nằm trong danh sách phải di dời do ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch hiện nay. Theo PGS.TS KTS Pham Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc sư quốc gia: “92 cơ sở thuộc diện di dời chính là những điểm vàng để xây dựng, cải tạo thành các không gian sáng tạo. Bởi, quỹ đất của Hà Nội rất chật hẹp, nếu các địa điểm trên trở thành không gian sáng tạo, người dân sẽ dễ tiếp cận, góp phần nâng cao chất lượng sống. Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm “Hành động vì người dân” vào tháng 8/2020, có 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng (7 cơ sở ở quận Hai Bà Trưng và 14 cơ sở ở quận Thanh Xuân) thì 19 nhà máy trở thành tổ hợp chung cư, 1 được sử dụng để làm đường trên cao và 1 trở thành trường đại học tư nhân”.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm - không gian được giới thiệu để chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo. Ảnh: Minh An |
Trong bối cảnh đó, nhiều mô hình sáng tạo ở Hà Nội vẫn ra đời, tiêu biểu như Ơ kìa Hà Nội. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – người sáng tạo ra không gian Ơ kìa Hà Nội chia sẻ: Để làm ra những không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử như không gian sáng tạo hiện nay trong trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vốn là bãi để xe, theo quy định không được sử dụng kinh doanh cà phê. Với sự trợ giúp của nhà trường, bãi để xe đã biến thành công trình của đoàn thanh niên, để từ đó, Nguyễn Hoàng Điệp có thể sáng tạo nhiều hoạt động. “Không gian sáng tạo cần có một độ mở riêng để dễ dàng tiếp cận các đối tượng. Nếu để làm đúng trình tự, tổ chức các hoạt động một cách nguyên tắc, tất các sự kiện đều phải xin giấy phép thì rất tốn thời gian và tiền bạc”– đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.Khó khăn sẽ thành chất xúc tácTại buổi tọa đàm, những ý kiến của các nhà sáng tạo trong việc “nhảy dù” vào các khu đất xen kẹt hay mong muốn việc quản lý “ẩn về phía sau” thu hút sự chú ý của đông đảo người tham dự. Trao đổi về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng chia sẻ: “Câu chuyện chúng ta chưa bàn đến là công tác quy hoạch. Tại sao chúng ta phải tránh chính quyền, phải lách vì chúng ta chưa làm đúng quy định?”.Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng đưa ra một số thông tin: Theo quy hoạch năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội hình thành đô thị trung tâm với diện tích phát triển đô thị khoảng 30% (70% còn là cây xanh, không gian sinh thái). Trong 30% phần diện tích đô thị đó, diện tích các cơ sở công nghiệp trên 4 quận nội thành (có giá trị về lịch sử, văn hóa) chiếm diện tích khoảng 3%. Qua đó cho thấy, việc chuyển đổi di sản công nghiệp trong 4 quận nội thành nghĩa là chỉ chuyển đổi 3% trong tổng thể 30% diện tích đô thị của TP Hà Nội. “Trong tổng thể khai thác 4 quận nội thành, ngoài chuyển đổi công nghiệp còn có tập trung cải tạo chung cư cũ trên góc độ khi tái thiết sẽ hình thành thêm không gian cây xanh, vui chơi cho mọi người. Vì vậy, chúng ta chuyển đổi di sản công nghiệp theo hướng nào phải bám sát quy hoạch định hướng. Không thể đương nhiên chuyển đổi một di sản công nghiệp thành không gian công cộng” – ông Nguyễn Đức Hùng phân tích.Từ những ý kiến trong buổi tọa đàm, các kiến trúc sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và các thí sinh tham gia cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” đã thấy rõ được những khó khăn trong việc chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo. Tuy nhiên, từ những khó khăn đó, nhiều ý kiến nhìn nhận sẽ trở thành chất xúc tác để tính sáng tạo trong mỗi người phát huy một cách đúng hướng theo đúng quy hoạch của TP.