Chuyển đổi nợ thành vốn góp trong doanh nghiệp- lợi nhiều vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù không phải là một hoạt động mới nhưng chuyển đổi vốn nợ thành vốn góp trong doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến những năm gần đây. Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, việc chuyển đổi nợ thành vốn góp vừa có tính tích cực, nhưng có thể tiềm ẩn những tiêu cực cho nền kinh tế nói chung. “Khả năng tiêu cực là khi các doanh nghiệp cố tình chuyển đổi các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi thành vốn góp để từ đó thực hiện các ý đồ khác. Hoặc khi các nhà đầu tư nước ngoài cố tính đầu tư chui, đầu tư theo hình thức cho vay để tận chiêu trò “dễ làm, khó bỏ” nhằm hạn chế rủi ro kinh doanh tại Việt Nam”- ông Phong nói.

PV: Thưa ông, có nhiều doanh nghiệp mong muốn tận dụng nguồn vốn của đối tác thông qua các thỏa thuận về việc chuyển đổi các khoản nợ vay, nợ phải trả từ hợp đồng mua bán hàng hóa thành vốn góp. Pháp luật Việt Nam có cho phép việc chuyển đổi như vậy không?
Ông Hà Huy Phong: Thị trường vốn nợ không chỉ có các hoạt động cấp tín dụng hay mua bán nợ giữa các tổ chức có chức năng mua bán nợ, mà còn có nhiều hoạt động khác, bao gồm hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp, hoạt động phát hành trái phiếu chuyển đổi …. Đây là một lĩnh vực đặc thù của các nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp, nên cũng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành.
 

Theo Luật sư Hà Huy Phong, hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp vừa có tính tích cực, nhưng có thể tiềm ẩn những tiêu cực cho nền kinh tế nói chung

Có thể nói rằng, các khoản nợ vay hay các khoản nợ phải trả hình trên cơ sở hợp đồng mua bán, hợp đồng cung cấp dịch vụ đều có bản chất chung là các khoản vốn nợ mà doanh nghiệp đang tận dụng được để đầu vào vào hoạt động kinh doanh. Khi đến kỳ hạn, doanh nghiệp buộc phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay hoặc nhà cung cấp. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về việc hoán đổi khoản nợ thành khoản vốn đầu tư, thì không bị giới hạn hay bị cấm bởi pháp luật. Nói một cách chính xác hơn, thì pháp luật hiện tại không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản nợ thành vốn góp.
PV: Việc chuyển đổi có cần điều kiện gì không, thưa ông?
Ông Hà Huy Phong: Thỏa thuận chuyển đổi là một thỏa thuận dân sự nên các bên được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc chuyển đổi sẽ dẫn tới hình thành tư cách cổ đông, thành viên góp vốn của bên chủ nợ cũ, nên các bên cần phải hoàn thiện một số thủ tục nhất định, gồm:
Thứ nhất: các bên cần lập văn bản thỏa thuận hay hợp đồng về việc chuyển đổi khoản nợ thành vốn góp. Các văn bản này cần ghi nhận rõ thời điểm chuyển đổi, số tiền chuyển đổi, xử lý tiền lãi và tiền gốc hay lãi phạt trả chậm …, số tỷ lệ phần trăm vốn mà bên đầu tư vốn sẽ sở hữu trong doanh nghiệp sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi.
Thứ hai: Các bên cần thông qua các thủ tục nội bộ của doanh nghiệp để thông qua, phê chuẩn bị bổ sung thành viên, cổ đông mới, thay đổi tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp …
Thứ ba: Các bên cần thực hiện thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận cổ đông, thành viên góp vốn mới.
Thứ tư: Đối với doanh nghiệp tiếp nhận nguồn vốn có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý thêm về các điều kiện đầu tư và điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
PV: Là một Luật sư tư vấn chuyên sâu về tài chính doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm về việc này không?
Ông Hà Huy Phong: Hoạt động chuyển đổi vốn nợ thành vốn góp trong doanh nghiệp không phải là mới. Thực chất nó đã tồn tại ở Việt Nam từ nhiều năm, biểu hiện qua các hình thức cụ thể như chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, hoặc hoạt động xử lý nợ xấu thông qua chuyển nợ xấu thành vốn góp mà các tổ chức tín dụng thường thực hiện.
Ở một hình thức, khác đã được quy định rõ trong văn bản pháp luật, là khoản 2, Điều 34, Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, có quy định về mộ trong số các hình thức trả nợ không thông qua tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài là “Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật”. Quy định này xác nhận một cách rõ ràng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển đổi khoản vay nợ nước ngoài thành vốn góp, cổ phần. Khi thực hiện việc chuyển khoản nợ vay thành vốn chủ (vốn góp, cổ phần), bên đi vay có trách nhiệm đăng ký với ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi khoản vay.
Tuy nhiên, với hình thức chuyển đổi các khoản nợ từ vốn vay trong nước, từ các khoản phải trả theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ, thì không có nhiều văn bản điều chỉnh nên cơ sở pháp lý chủ yếu dựa vào thỏa thuận nội bộ của các bên. Thực tiễn hành nghề của chúng tôi cho thấy, một số cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có quan điểm và các hiểu khác nhau về vấn đề này, đặc biệt là cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư, dẫn tới một số doanh nghiệp vẫn bị gặp trở ngại khi đăng ký thay đổi, bổ sung thành viên góp vốn, tăng vốn.
Hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp là hoạt động mang tính tài chính kinh tế sâu sắc, nhưng có mang tính pháp lý. Do đó, trong quá trình đàm phán và thực hiện các thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn của các đơn vị am hiểu về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Có những vấn đề kỹ thuật mà người tư vấn có thể hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt, chẳng hạn việc quyết định giá phần góp vốn, giá cổ phần để hoán đổi với khoản nợ, hay các hồ sơ và thủ tục cần thực hiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
PV: Liệu việc chuyển đổi như vậy có làm ảnh hưởng đến thị trường và nền kinh tế nói chung không?
Ông Hà Huy Phong: Quan điểm của tôi, thì bất kỳ vấn đề gì cũng có tính hai mặt. Hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp vừa có tính tích cực, nhưng có thể tiềm ẩn những tiêu cực cho nền kinh tế nói chung.
Khả năng tiêu cực là khi các doanh nghiệp cố tình chuyển đổi các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi thành vốn góp để từ đó thực hiện các ý đồ khác. Hoặc một khía cạnh tiêu cực khác, là khi các nhà đầu tư nước ngoài cố tính đầu tư chui, đầu tư theo hình thức cho vay để tận chiêu trò “dễ làm, khó bỏ” nhằm hạn chế rủi ro kinh doanh tại Việt Nam.
Tích cực là hoạt động này có thể tạo ra một kênh huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp, tạo sự đa dạng của thị trường vốn. Đặc biệt, với hoạt động chuyển đổi vốn nợ thành vốn góp, doanh nghiệp có thể có được sự linh hoạt trong việc thay đổi cấu trúc tài chính để cân bằng giữa khả năng tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trước các tình huống khác nhau của thị trường.
Nhìn chung, hoạt động chuyển đổi nợ thành vốn góp là một nghiệp vụ rất tốt và nên được xem xét, áp dụng một cách linh hoạt. Khung pháp luật và quản lý nên có tính cởi mở hơn với vấn đề này để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!