Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế” là sự kiện do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân Dân cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.
Với từ khóa chính “chuyển đổi số”, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất quan điểm đây là hướng đi quan trọng và phổ biến trên các diễn đàn khoa học, báo chí và hành chính trong thời gian qua. Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các cơ quan báo chí - truyền thông.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của chuyển đổi số, trong việc thay đổi phương thức vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí - truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi số vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí. Nếu thực hiện thành công, cơ quan báo chí không chỉ đổi mới được hoạt động, tăng hiệu quả trong phục vụ công chúng cũng như phát sinh các nguồn thu mới.
''Trong ngắn hạn, các cơ quan báo chí cần có những nhà báo nhanh nhạy công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và có khả năng quản lý sự thay đổi. Trong dài hạn, cần tập trung đào tạo những nhà báo đa phương tiện, những người có khả năng làm việc đa năng, đa nhiệm trong môi trường truyền thông số. Chuyển đổi số dựa trên công nghệ số nhưng nếu tuyệt đối hóa công nghệ mà không chú trọng đúng mức đến yếu tố con người thì quá trình này không thể thành công” - ông Phạm Minh Sơn nói.
Chia sẻ tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số báo báo chí không chỉ đơn thuần là thay đổi về công nghệ mà còn là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là của người lãnh đạo. Đi cùng với đó là sự chuyển đổi về văn hóa của cả tòa soạn.
Công nghệ sẽ thay đổi báo chí và đây cũng là yếu tố trung tâm của chiến lược chuyển đổi số tại mỗi tờ báo. Sự thay đổi này là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm độc giả mới. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất là lãnh đạo các tờ báo cần có tư duy chuyển đổi số và lan tỏa tư duy này đến mọi cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí.
''Rất khó để tìm ra mô hình chung, hiệu quả về chuyển đổi số với tất cả cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí có một thế mạnh riêng, khó khăn riêng. Các cơ quan báo chí cần tăng cường trao đổi để tìm ra những biện pháp để vượt qua những khó khăn của riêng mình và học hỏi các cơ quan báo chí khác'' - ông Lê Quốc Minh gợi ý.
Đồng quan điểm, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Cho Han-Deog cũng cho rằng chuyển đổi số đang là một xu hướng không thể đảo ngược, xuất hiện trong tất cả lĩnh vực và báo chí không là ngoại lệ. 5G, điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo chính là nền tảng giúp các cơ quan báo chí có thể làm việc mọi lúc mọi nơi. Đã đến lúc các cơ quan báo chí cần coi chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn.
Cũng tại Hội thảo, Giám đốc điều hành Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc Lee Hee Yong cho biết, việc phối hợp giữa cơ quan nhà nước cùng báo chí để thực hiện truyền thông chính sách là một cách làm hiệu quả để những đơn vị này có kinh phí chuyển đổi số.
Theo đó, Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc là cơ quan được ủy quyền để thực hiện những chiến dịch và quảng cáo chính sách cho các bộ, ngành của Hàn Quốc trên báo chí. ''Mô hình này tập trung công tác truyền thông chính sách của Chính phủ Hàn Quốc về một đầu mối, đồng thời dễ dàng phối hợp cũng như phân bổ kinh phí đối với từng hạng mục cụ thể dành cho cơ quan báo chí'' - ông Lee Hee Yong chia sẻ.
Theo ban tổ chức, Hội thảo gồm 1 phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề với các tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày. Phiên 1 tập trung vào kinh nghiệm truyền thông chính sách của Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số. Phiên 2 tập trung vào các sáng kiến và giải pháp để thúc đẩy truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu và diễn giả sẽ tham gia thảo luận, giải đáp các câu hỏi quan trọng như: Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, công tác truyền thông chính sách đứng trước những cơ hội và thách thức? Truyền thông chính sách cần quan tâm đến các yếu tố công nghệ, công chúng như thế nào? Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quốc tế gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số? Để chuyển đổi số diễn ra một cách thực chất, các cơ quan truyền thông chính sách cần thực hiện những giải pháp nào?