Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số báo chí: Tập trung vào trải nghiệm người dùng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã phối hợp cùng Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bá cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí…

Báo chí phải lên không gian số

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương cho biết, trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí, phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số

Quang cảnh buổi Hội thảo
Quang cảnh buổi Hội thảo

Do đó, “Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 đã lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Thông qua việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức, bà Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, trong bối cảnh số hóa toàn cầu như hiện nay, báo chí phải lên không gian số là điều bắt buộc và không thể đảo ngược. Cách đọc báo thuần túy như trước đây đang ngày một hạn chế và ở hiện tại cũng như tương lai độc giả sẽ tiếp cận báo chí thông qua các thuật toán cũng như tin tức được gợi ý.

Do đó, các cơ quan báo chí bắt buộc phải chuyển đổi số, thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Thông qua các giải pháp công nghệ nhằm thực hiện hiệu quả mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Nếu làm được những điều này chúng ta sẽ phát triển được nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Chuyển đổi số sẽ là yếu tố chính quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó, chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới, ông Nguyễn Thanh Lâm nói thêm.

Theo Cục trưởng Cục Báo chí, trong bối cảnh các cơ quan báo chí cạnh tranh nhau gay gắt như hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Việc đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số luôn là bài toán khó cho các cơ quan báo chí bởi kinh phí lớn, do đó, việc sử dụng hạ tầng của bên thứ 3 sẽ là giải pháp phù hợp. Bộ TT&TT cùng một số công ty công nghệ hàng đầu trong nước đã có kế hoạch hợp tác với các cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí có thể sử dụng nền tảng của những đơn vị này để chuyển đối số cũng như hợp tác trong các mô hình phát sinh doanh thu mới.

Áp dụng triệt để công nghệ vào báo chí

Được xem là một trong những người tiên phong chuyển đổi số cho báo chí, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi tiến hành sự thay đổi mang tính “lịch sử”, quyết định tới sự sống còn của một cơ quan báo chí.

Lấy ví dụ về quá trình chuyển đổi số ở báo Nhân Dân thời gian qua, ông Lê Quốc Minh cho biết, sự thay đổi không chỉ nằm ở việc cấu trúc lại nội dung, thay đổi măng sét của báo in và báo điện tử mà còn nằm ở việc tích hợp hàng loạt giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm cho độc giả.

Có thể kể đến như sử dụng QR Code để độc giả báo in dễ dàng tiếp cận thông tin của báo điện tử nhằm tăng khả năng lưu trang cũng như đọc các tin tức mới. Podcast giúp người dùng không chỉ thuận tiện trong việc nghe tin tức mà còn làm tăng lượng độc giả trung thành. 

Quan điểm “Digital First” được áp dụng triệt để tại báo Nhân Dân. Theo đó, thông tin không chỉ đăng tải ở báo in và báo điện tử mà còn được khai thác triệt để trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok … Chính những kênh truyền thông này đã giúp báo Nhân dân có được lượng lớn độc giả trong độ tuổi từ 18-24. Đây là những người thường xuyên sử dụng các mạng xã hội nói trên.

Không chỉ thực hiện chuyển đổi số ở khâu sản xuất nội dung, tổ chức tòa soạn, báo Nhân Dân còn áp dụng sâu công nghệ nhằm thu hút độc giả. Ví dụ như: sử dụng trí thông minh nhân tạo để đo lường, phân tích nhu cầu và thói quen đọc, từ đó, đưa ra các gợi ý tin tức phù hợp với từng độc giả. Hay sử dụng báo chí tự động viết bằng robot nhằm phát huy tối đa tính tốc độ của báo chí nhưng lại không tốn nhân sự.

Báo chí không thể mãi phụ thuộc vào quảng cáo vì nguồn thu này đang ngày một giảm. Để tồn tại lâu dài, các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu như: Tổ chức sự kiện, kinh doanh dữ liệu thông tin, thu phí độc giả trung thành… Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nói.

Được biết, trong khuôn khổ Hội thảo cũng có nhiều tham luận đến từ các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo xoay quanh chủ đề chuyển đổi số báo chí. Trong đó, nhiều vấn đề được bao quát như mô hình chuyển đối số phù hợp với báo chí trong nước; Xây dựng và hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng. 

Đồng thời là những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và giá trị gia tăng.