Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số: Cơ hội bứt phá cho báo chí

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt tiến trình 97 năm qua (21/6/1925 - 21/6/2022), từ những ngày đầu non trẻ, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, báo chí và người làm báo tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội.

Và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, truyền thông số vừa là thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho báo chí trong “cuộc đua” về thông tin, chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ.

97 năm qua, mỗi ngày, mỗi giờ, người làm báo trên cả nước đang luôn nỗ lực, phát huy vai trò xung kích, dũng cảm xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió để đưa tin về các sự kiện nóng, các vấn đề về kinh tế - xã hội…

Từ những tờ báo giấy truyền thống, đến nay, sự ra đời của báo điện tử, kênh truyền thông đa phương tiện như một luồng gió mới làm thay đổi tư duy của người làm báo và thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận thông tin của công chúng xã hội.

Các cơ quan báo chí đã và đang tiếp tục đổi mới để thích ứng phát huy được những giá trị bất biến của nghề báo, nhưng không đứng bên lề thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, hay nói khác đi, chuyển đổi số là mục tiêu hướng đến của các tòa soạn báo hiện nay.

Nhìn từ thực tế thời gian qua, báo chí đã ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động tác nghiệp, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng.

Những tác phẩm báo chí tích hợp đa phương tiện với những hình thức thể hiện đa dạng như inforgraphic, megastory, long-form, e-magazin... vừa đọc, nghe, xem và tương tác với bạn đọc ngày càng nhiều và trở thành một thế mạnh của báo chí hiện đại và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa.

Nhưng chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà là tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong toà soạn cho phù hợp.

Bởi thế, nhiều tờ báo đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu, đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo… Một số báo chí đa phương tiện hiện đại đã ra đời, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số.

Chính tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện đã hình thành nên những nhà báo đa năng, có khả năng thích ứng tạo ra các tác phẩm và sản phẩm theo từng loại hình báo chí. Thay đổi để đáp ứng đòi hỏi bức thiết về kỹ năng và công nghệ, nhiều nhà báo hiện đã sử dụng thành thạo nhiều phương tiện nền tảng công nghệ để thực hiện truyền thông; thậm chí chiếc điện thoại thông minh có thể trở thành một “tòa soạn thu nhỏ”.

Không chỉ tự thân chuyển đổi, với những cơ sở pháp lý từ Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các nền tảng để hỗ trợ báo chí từ Bộ TT&TT, các cơ quan liên quan chính là cơ hội để các cơ quan báo chí đón kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, truyền thông số.

Nhưng dù công nghệ phát triển thế nào chăng nữa những giá trị bất biến của báo chí vẫn khẳng định vai trò của mình, đó là trái tim, khối óc, ý chí và bản lĩnh của người làm báo. Đó là vai trò trung tâm trong hoạt động thông tin, truyền thông; vai trò dẫn dắt, định hướng các dòng thông tin chủ lưu, chính thống giữa hàng loạt các thông tin đang được lan truyền mạnh mẽ trong mạng xã hội.

Và chuyển đổi số vừa là chìa khóa và công cụ để các cơ quan báo chí khẳng định bản lĩnh của mình; chuẩn bị một tâm thế cần thiết, từ đó đổi mới để tồn tại, phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.