Chuyển đổi số - cơ hội để giáo dục vươn tầm quốc tế

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đặt ra mục tiêu đi tiên phong và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về chuyển đổi số. Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn về chủ đề này.

 Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội tập huấn cho các giảng viên về kỹ năng sử dụng phần mềm giảng dạy e-learning. Ảnh: Oanh Trần
Nguồn học liệu vô tận

Thưa ông, chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về chuyển đổi số trong GD-ĐT?

- Ứng dụng công nghệ trong giáo dục có 4 cấp độ, đưa bài giảng, bài kiểm tra lên nền tảng số mới đạt được cấp độ 1, tức là công nghệ mới chỉ làm thay được môi trường học tập và hình thức thể hiện học liệu, còn mọi thứ vẫn như trước. Thêm quản lý học sinh, sinh viên trên nền tảng số có thể coi là đạt cấp độ 2, bởi nó mở rộng cho ta những tiện ích mà không có công nghệ số không làm được. Chuyển đổi số thực sự diễn ra khi ứng dụng công nghệ số đạt cấp 3 và cấp 4; tức là khi mô hình tổ chức dạy và học, quản lý và tương tác với người học, cách dạy và cách học đều thay đổi, thậm chí mô hình trường lớp cũng sẽ thay đổi hoàn toàn.

Khi thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT, học sinh được tiếp cận với nguồn học liệu gần như vô tận, được chọn học lúc nào và ở đâu tiện lợi nhất, thậm chí còn có thể chọn được thầy cô như ý. Nhưng quan trọng hơn cả, công nghệ cho phép học sinh được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, được hướng dẫn học theo lộ trình cá thể hoá phù hợp với bản thân, với chi phí thấp hoặc thậm chí miễn phí. Dựa trên dữ liệu và công nghệ, nhà trường tổ chức quản lý tốt hơn, ra quyết định đúng đắn hơn, có điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Để thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Trong mấy năm qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành, tạo ra hiệu ứng khá tốt, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Bộ cũng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành và ban hành các chuẩn dữ liệu, chuẩn kết nối để tất cả các sở GD&ĐT và các trường đại học (ĐH) kết nối, cập nhật dữ liệu; sắp tới sẽ nâng cấp và hoàn thiện thành một nền tảng dữ liệu chia sẻ. Vừa rồi, Bộ cũng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 của Bộ GD&ĐT. Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động, toạ đàm và hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn ngành, đồng thời kết nối các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ số để hợp tác cùng phát triển các nền tảng ứng dụng. Cùng với đó, Bộ xây dựng và kêu gọi giáo viên trong toàn ngành đóng góp vào các kho học liệu số.

Thời gian qua, Bộ GD&DT đã hợp tác Hệ tri thức Việt số hóa xây dựng Kho học liệu số dùng chung tại địa chỉ igiaoduc.vn. Đến nay, các giáo viên đã đóng góp và chia sẻ hơn 7.000 bài giảng điện tử, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học phải tạm thời đóng cửa thì kho học liệu số này được giáo viên và học sinh khai thác rất hiệu quả.

Riêng đối với giáo dục phổ thông, trong thời gian tới, Bộ GD&DT sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp xây dựng học liệu có chất lượng để cung cấp đầy đủ nội dung theo chương trình của tất cả các môn học. Còn đối với giáo dục ĐH, các trường ĐH sẽ đóng vai trò quan trọng nhất ở đây. Trong Hội nghị giáo dục ĐH 2020 vừa qua, các trường ĐH đều thống nhất sẽ tích cực hợp tác và tham gia phát triển các kho học liệu dùng chung.

Kỳ vọng phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Muốn thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong giáo dục thì phải xây dựng khung năng lực số và rèn luyện kỹ năng số cho học sinh?

- Trên cơ sở tham khảo một số khung năng lực số do các tổ chức quốc tế đưa ra, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để đề xuất khung năng lực số cho học sinh các bậc học gồm 7 năng lực thành phần: Vận hành các thiết bị kỹ thuật số, xử lý thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác, tạo nội dung kỹ thuật số, giải quyết vấn đề và định hướng nghề nghiệp. Môn Tin học trong chương trình phổ thông mới 2018 đã được xây dựng và có thể dùng được để học sinh học ngay từ bậc tiểu học; nếu tổ chức dạy và học tốt sẽ đáp ứng được phần lớn yêu cầu. Ngoài ra, cách dạy và học tốt nhất là cho học sinh sử dụng chính các công cụ trong học tập và sinh hoạt, từ đó rèn luyện được các kỹ năng qua trải nghiệm.

Ông kỳ vọng như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục này?

- Trước mắt tôi nghĩ, làm sao chúng ta tận dụng tối đa tiến bộ của công nghệ để có một hệ thống giáo dục đào tạo chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người dân; làm sao để người thầy dễ dạy hơn và được sáng tạo hơn, người học chủ động hơn, thích học hơn và dễ học hơn. Xa hơn, thực hiện tốt chuyển đổi số ngành GD-ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số, đây là cơ hội để Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần