Thay đổi để thích nghi
Có thể nói, năm 2021 vừa qua là quãng thời gian mà đại dịch Covid-19 thể hiện rõ ràng sự tàn phá khốc liệt và nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng DN trong nước khi hàng trăm nghìn đơn vị đã phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chính hoàn cảnh khó khăn đó đã khẳng định chắc chắn chuyển đổi số với DN không còn dừng ở lựa chọn mà đã là bắt buộc.
Khẳng định trên đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đưa ra mỗi khi nói về quá trình chuyển đổi số đối với cộng đồng DN trong nước. Theo người đứng đầu Chính phủ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép”, vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. DN phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trên thực tế, bên cạnh những DN bị nhấn chìm bởi đại dịch Covid-19 thì cũng không thiếu những cái tên tận dụng được cơ hội để vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Điểm khác biệt của những DN này là thay vì bị động, chờ đợi hết dịch mới chuyển đổi số, mà ngay từ những năm qua họ đã chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi từ offline lên online.
Một trong những ví dụ điển hình cho những DN sống tốt nhờ chuyển đổi số là Traphaco, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm. Được biết, ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, doanh thu của Traphaco vẫn tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2020, DN đạt mức tăng trưởng 12% doanh thu và 27% lợi nhuận thì trong 6 tháng đầu 2021, con số này tăng mạnh lên 22% về doanh thu cùng 38% về lợi nhuận. Lý giải cho thành công trên, Phó Tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà khẳng định, đây là kết quả từ quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số tại mọi hoạt động của DN trong những năm gần đây. Tư duy 4.0 luôn được duy trì cho tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động kinh doanh, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp cho đến bắt nhịp xu hướng mua hàng online.
Theo Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ (DTS) Trương Gia Bảo, hiện có 3 mô hình chuyển đổi số phổ biến, gồm: Điều chỉnh toàn bộ quy trình hoạt động của DN; Tập trung trải nghiệm hóa trải nhiệm khách hàng; Xây dựng một bối cảnh kỹ thuật số toàn diện, từ đó thay đổi hoạt động của DN.
Những mô hình trên không có mô hình nào là tốt nhất, để lựa chọn cần phải xem xét dựa trên mục tiêu, nguồn nhân lực, tài chính cũng như mức độ phù hợp của mỗi DN. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ lãnh đạo. “Người đứng đầu DN cần học hỏi về chuyển đổi số trước khi thực hiện bất kỳ sự chuyển đổi nào” - ông Trương Gia Bảo đưa ra lời khuyên.
Sự hỗ trợ từ các nền tảng số Make in VietNam
Theo nhiều chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều DN Việt còn chưa tích cực tham gia chuyển đổi số đến từ kinh phí. Việc sử dụng các nền tảng số nước ngoài sẽ khiến DN chịu gánh nặng tài chính rất lớn, từ đó dẫn tới quá trình chuyển đổi số không thể thực hiện hoặc chỉ dừng ở mức nửa vời, chắp vá. Theo khảo sát, riêng ở mảng giao tiếp, trao đổi giữa các nhân sự, các DN trong nước thường sử dụng những dịch vụ nước ngoài như: Microsoft Teams, Workplace, Skype … Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng có thể gánh khoản chi phí hàng tháng mà các dịch vụ này bắt chi trả. Có thể kể đến như, Microsoft Teams sẽ tính phí hơn 3 USD/người/tháng, với Workplace con số này là 4 USD/người/tháng hay Slack vào khoảng hơn 6 USD/người/tháng.
Không chỉ vậy, việc ưu tiên sử dụng các nền tảng số nước ngoài sẽ khiến các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực số đánh mất thị trường trong nước vào tay các tên tuổi ngoại quốc. Tiêu biểu là việc Google và Facebook đang nắm trong tay hơn 70% thị phần của mảng quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, ước đạt hơn 955 triệu USD trong năm 2021. Ngoài ra, với máy chủ đặt ở nước ngoài, những nền tảng số trên cũng đặt ra dấu hỏi lớn về bảo mật dữ liệu.
Để giải quyết những vấn đề trên cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với DN Việt, CEO Cloudify Hoàng Minh Quân cho rằng, lời giải nằm ở các nền tảng số Make in VietNam. Các nền tảng nội địa này sẽ giúp DN tiết kiệm tối đa chi phí so với những gì đang phải trả cho đối tác nước ngoài. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy khối DN vừa và nhỏ tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Do có tập khách hàng nhỏ hơn các nền tảng quốc tế nên nền tảng số Make in Vietnam sẽ chủ yếu sử dụng phần mềm để phục vụ chuyển đổi số cho DN theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí và nhân lực. DN có thể sử dụng và chi trả theo từng tháng “hoặc dùng đến đâu trả tiền đến đó. Đây là mô hình thích hợp để các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ cao nhưng chi phí thấp” - ông Hoàng Minh Quân phân tích.
Trên thực tế, sự cần thiết của các nền tảng số Make in Vietnam đối với quá trình chuyển đổi số đã được nhìn nhận một cách rõ ràng và có định hướng từ phía Chính phủ trong vài năm trở lại đây. Điều này được thể hiện qua “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định tầm nhìn: “Việt Nam sẽ tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Cũng chỉ trong giai đoạn 2020 - 2021, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT đã có tới hàng loạt các nền tảng số Make in VietNam được ra mắt. Những nền tảng này trải dài trên khắp các ngõ ngách của chuyển đổi số từ đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ AI, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, quản trị DN cho đến nền tảng mã địa chỉ bưu chính…
Trong số này, nhiều nền tảng đã phát huy tác dụng thực tế khi hỗ trợ đắc lực quá trình chuyển đổi số của DN, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19. Có thể kể đến như cụm 12 nền tảng số hỗ trợ DN nhỏ và vừa gồm thanh toán trực tuyến VnPay, an ninh mạng CyRadar, tuyển dụng Vietnamworks… đã cung cấp cho DN trải nghiệm miễn phí 6 tháng, cũng như miễn phí các khóa đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng.
Đáng chú ý, vào tháng 4/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số. Đây được xem là cơ sở quan trọng để các nền tảng số Make in VietNam bùng nổ khi mục tiêu của Chương trình đề ra là đảm bảo tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số.
Đánh giá về các nền tảng số Make in VietNam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, trong hai năm qua, DN công nghệ số Việt Nam đã làm chủ được nhiều nền tảng chuyển đổi số. Nếu như năm 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ TT&TT công bố đều là nền tảng của Việt Nam. Thì sang năm 2021, nhiều DN công nghệ số Việt Nam cũng đã chuyển sang nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới như: 5G, AI, Big data. Đây là điều trước đây chưa có.
"Các DN công nghệ trong nước cần nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số và nó sẽ giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam. Những nền tảng số trong nước sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045." - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng