Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số để doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thách thức lớn nhất của việc chuyển sang môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen.

Tại Diễn đàn DN chuyển đổi số Việt Nam với chủ đề "Thoát hiểm và bứt tốc sau Covid-19", do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức ngày 11/11, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện DN đã đưa ra các ý kiến xung quanh vấn đề này.
Luôn hướng đến khách hàng

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank Trần Công Quỳnh Lân, từ chuỗi ý tưởng hình thành phòng leb năm 2019 và triển khai hiện thực năm 2020, khi khách hàng đến giao dịch, camera sẽ nhận diện khách hàng là ai; hệ thống sẽ hỏi "anh chị muốn làm gì"?... Lúc đó, khách hàng sẽ nhận số, tất cả tự động đẩy vào hệ thống, giao dịch viên chỉ xác nhận lệnh và bấm enter... Đó là bước số hóa của Vietinbank trên cơ sở áp dụng CNTT. Hay với 22.000 con người nhưng hiện nhân viên có thể trao đổi công việc qua mạng xã hội... Việc này giúp VietinBank không còn khoảng cách địa lý, vai trò, cấp bậc.
 Các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số. Ảnh: Khắc Kiên
Liên quan lĩnh vực logistics gắn liền thương mại điện tử, chuyển đổi số, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, Viettel Post có đặc thù là dịch vụ phục vụ khách hàng không chỉ tạo ra từ công nghệ máy móc, mà con người chiếm phần lớn, tạo ra dịch vụ. Điều đó đòi hỏi việc đào tạo nhân lực bài bản ngay từ đầu.
“Trong giao tiếp, nếu như người giao hàng (shipper) của Viettel Post đến nhận hàng với thái độ hằn học, làm cho xong việc sẽ khác với việc khi đến ân cần và coi khách hàng là trung tâm, là nguồn nuôi sống để khách hàng gửi hàng nhiều hơn ... sẽ giúp thành công” - vị này dẫn dụ. Đồng thời cho biết, với Viettel Post, đầu tiên là xác định chiến lược và chuyển đổi ở cấp độ nào; tức là xác định khách hàng là ai, Viettel Post cần phải làm gì. Tiếp đó là câu chuyện kế hoạch kinh doanh, các chỉ tiêu Viettel Post đầu tư để khách hàng có được.

Lấy con người làm trung tâm

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC Đoàn Duy Khương cho rằng, thời gian qua, sự phát triển của cách mạng 4.0 trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt khu vực, đem lại cả thách thức và cơ hội. Các DN, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị. Để thành công, các nhà máy, DN phải tận dụng những giải pháp công nghệ, sáng kiến mới giải quyết vấn đề tồn đọng của DN. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn để quy tụ các DN, hợp tác với các hãng công nghệ lớn để làm động lực tăng trưởng.

Đưa ra quan điểm của mình, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) Trương Anh Dũng cho biết, chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột. “Lâu nay chúng ta đào tạo trong nhà trường là chính. Tuy nhiên, kết hợp nhà trường với DN đào tạo dựa trên công nghệ là quan trọng trong tương lai. Gắn các cơ sở đào tạo với DN, chủ DN theo hướng vừa học vừa làm” – vị này nói.
Đồng thời cho rằng, về phía người lao động, cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng mới trong thế giới đang thay đổi. Bản thân người lao động xác định lỗ hổng trong kiến thức hiện tại để bổ trợ cần thiết, học hỏi đồng nghiệp để thêm kỹ năng. Với cơ sở đào tạo, chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi, là vấn đề sống còn, có kế hoạch thu hút giảng viên, chương trình học liệu số để phát triển kỹ năng số...

"Hiện, việc tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do dịch Covid-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua, nay đã mạnh dạn sử dụng hình thức trực tuyến. Những tác động của dịch Covid-19 đến DN thương mại điện tử là tiết kiệm được chi phí do có thể làm việc ở nhà, lạc quan về nhân sự, duy trì DN sau dịch. " - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải