Thời kỳ "cá nhanh ăn cá chậm"
Đến nay, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có sự khác biệt rõ rệt so với những năm trước. Chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các công ty cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ và không bị tụt lại phía sau. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng đang phải đối mặt với mức độ cạnh tranh gay gắt, không chỉ diễn ra giữa các DN nội địa mà còn có sự tham gia của DN nước ngoài đến từ EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và cả các nước thuộc ASEAN.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nếu DN không tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức, tái cấu trúc lại, nhanh chóng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới để nâng cao năng suất lao động, cải thiện phương thức quản lý…, rất dễ bị đào thải trong lĩnh vực đầy tính cạnh tranh này.
Tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2022 - 2027 mới đây, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, chuyển đổi số hiện nay không phải sự lựa chọn mà là nhất thiết. Vì đã bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chấm dứt thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, chuyển sang “cá nhanh ăn cá chậm”. Ngành bất động sản, xây dựng của Việt Nam có tính đặc thù và việc chuyển đổi số đem lại lợi ích khổng lồ, cấu thành kinh tế quan trọng bậc nhất góp phần tăng trưởng GDP cho nền kinh tế suốt thời gian qua.
Theo KTS Lê Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng Covic, trong thời kỳ khách hàng có công cụ Google để tìm hiểu, lựa chọn dịch vụ, DN phải nhanh hơn, có định hướng nhằm thu hút, đáp ứng mong muốn của người dùng. "Có DN bán nội thất cung cấp luôn phần mềm “ướm” thử nội thất vào vị trí nhà của khách hàng. Đưa ra trải nghiệm mới thú vị cho khách hàng, đem lại sự hài lòng cho khách hàng là một hướng đi đem đến thành công cho DN" - KTS Lê Tâm cho hay.
Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhân lực
Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam cho thấy đây không chỉ là một xu hướng mà còn là một định hướng chiếc lược dài hạn giúp các DN tăng khả năng cạnh tranh. Với số vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành xây dựng khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 - 2025, chuyển đổi số của ngành sẽ tạo ra giá trị thặng dư vô cùng to lớn cho xã hội. Mục tiêu kinh tế số ngành xây dựng năm 2025 chiếm 20% tổng số đóng góp của toàn ngành vào tăng trưởng GDP chung cả nước.
Theo ông Trương Gia Bình, hiện nay, Tập đoàn FPT đã tìm ra giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Kinh nghiệm đã được tích luỹ và phát triển do xu hướng hợp tác toàn cầu - trong nước và nước ngoài qua 20 năm hợp tác, đặc biệt là DN Singapore, từ xây dựng, bất động sản, nhà hàng, giải trí, siêu thị… đã xây dựng cho DN nước ngoài nền tảng chuyển đổi số với nhận thức về thực tiễn kinh doanh.
"Nhiều đề án đầu tư lên tới hàng tỷ USD, vòng đời rất dài. Do vậy, việc quản lý trên quy mô lớn, nhiều vấn đề phức tạp như hàng nghìn nhà thầu phụ, vật liệu, nhân lực, bán hàng… nếu không có giải pháp tốt sẽ gây thất thoát rất nhiều" - ông Trương Gia Bình cho biết.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đình Hiếu - Giám đốc điều hành nhà thầu thi công gói thầu số 3 - dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 cho biết, chuyển đổi số trong ngành xây dựng đã khiến việc triển khai dự án được thuận lợi, tạo điều kiện để có thể vượt tiến độ đề ra.
"Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng 2 phần mềm gồm Base - phần mềm quản lý DN tổng thể và TNN cho quản lý máy công trình. Chuyển đổi số áp dụng công nghệ nhằm tạo lập quy trình – thủ tục, báo cáo thống kê, giúp DN vận hành, quản lý công việc thuận tiện. Đồng thời, đơn vị số hóa các dữ liệu về sơ đồ, bản vẽ kiến trúc, bản đồ nhanh chóng với độ chính xác cao, tiết kiệm 80% thời gian tìm kiếm thông tin và 50% chi phí triển khai" - ông Hoàng Đình Hiếu cho biết.
Giới chuyên gia và cộng đồng DN kỳ vọng, với chuyển đổi số ngày càng đi vào thực tiễn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 6/4/2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành xây dựng hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có yêu cầu các nội dung quan trọng. Cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện Khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành xây dựng nhằm mục tiêu quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số bao gồm quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan Nhà nước ngành xây dựng; cung cấp dữ liệu mở ngành xây dựng cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ.