Chuyển đổi số quốc gia cần có nhân lực số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn nhân lực số được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới thành công cho quá trình chuyển đổi số tại nhiều quốc gia. Nhưng ở Việt Nam đây đang là nút thắt cần sớm được cởi gỡ.

Khách hàng trải nghiệm giải pháp công nghệ của FPT tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3. Ảnh: Việt Linh  
Khách hàng trải nghiệm giải pháp công nghệ của FPT tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3. Ảnh: Việt Linh  

Vừa thiếu, vừa yếu

Một báo cáo mới đây của Bộ TT&TT đã chỉ ra rằng, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số rơi vào khoảng 65.000 người. Tuy nhiên con số này vẫn đang ở mức thấp, dẫn tới hệ quả trực tiếp là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, bất chấp nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) ngày càng cao để thực hiện quá trình chuyển đổi này.

Không những vậy, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đạt hơn 1%. Đây là chỉ số tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Điều này cũng phản ánh đúng thực tế, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain.

Số liệu từ nền tảng tuyển dụng TopDev cũng chỉ ra rằng, nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam đang thiếu hụt lớn. Tiêu biểu như năm 2021, trong khi các DN cần 450.000 nhân sự thì nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 430.000 người. Sang năm 2022, con số thiếu hụt này còn được dự đoán sẽ lên tới 150.000 nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường lên đến 530.000 người.

Đáng chú ý, TopDev còn nêu lên một thực trạng đáng lo ngại rằng, trong số hơn 60.000 nhân sự công nghệ thông tin tốt nghiệp hằng năm tại các cấp bậc trung cấp, cao đẳng và đại học thì chỉ có khoảng 1/3 trong số này là có thể làm việc được luôn. Còn phần lớn đều phải được DN đào tạo thêm để có thể bắt đầu vào làm chính thức.

Nói về thực trạng này, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, hiện nhu cầu về nguồn nhân lực số đang rất cao nhưng các trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Còn số lượng chỉ đạt 30% số lượng đáp ứng yêu cầu.

Ông Chính lấy câu chuyện tuyển dụng của Samsung tại Việt Nam làm ví dụ. Với việc đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, Samsung đã xem nước nước ta là trung tâm cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu. Do đó, vào 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng nhu cầu tuyển dụng của Samsung vẫn rất cao. Tập đoàn này đã yêu cầu CMC cung ứng cả ngàn nhân sự, mặc dù rất nỗ lực nhưng thực tế chúng tôi chỉ hoàn thành được 30% nhu cầu.

Chất lượng nhân sự công nghệ số ở Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường phải cần đến 1,5 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Chúng ta cần bổ sung một lượng lớn nhân sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.

Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  
Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  

Xây dựng đại học số

Theo tính toán, để thực hiện được quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong cơ cấu nguồn nhân lực thì nhân lực kỹ thuật phải chiếm khoảng 2%. Điều này tương đương với việc Việt Nam phải có được tối thiểu 80.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng gấp khoảng 40% so với hiện nay. Mục tiêu này được xem là khó khả thi nếu biết toàn bộ 158 trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và an toàn thông tin thì chỉ có tổng số tầm hơn 80.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm.

Trên thực tế, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề về đào tạo nhân lực số này. Trước đây, các cường quốc về công nghệ thông tin như Ấn Độ hay Hàn Quốc cũng phải đối mặt với bài toán tương tự. Và phát triển các đại học số là lời giải đã chứng minh được thành công khi giúp những quốc gia trên đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói chung và nhân lực số nói riêng.

Có thể hiểu một cách đơn giản về mô hình đại học số là đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, giảng viên và sinh viên lên môi trường số. Hoạt động theo cả hình thức đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến sẽ giúp đại học số vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải. Dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.

Một ví dụ tiêu biểu cho mô hình này là Hàn Quốc, với dân số chỉ vào khoảng hơn 50 triệu dân nhưng đã có 20 trường đại học số. Trong đó, nổi bật là đại học số Seoul khi đào tạo trực tuyến hoàn toàn số lượng sinh viên hàng năm lên tới 40.000 người. Những mô hình hiệu quả như vậy là một trong các nguyên nhân chính giúp Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 25 - 34 có trình độ đại học, chiếm khoảng 60%, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao dồi dào cho đất nước.

Ở Việt Nam, quá trình số hóa cấp bậc đại học cũng đã bắt đầu được triển khai ở trạng thái ban đầu tại một số cơ sở đào tạo, điển hình là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thông qua nền tảng công nghệ PTIT-Slink do chính đơn vị phát triển. Với giải pháp này, hơn 13.000 sinh viên, cán bộ của Học viện có thể thực hiện hầu hết các hoạt động như đăng ký nhập học, học tập - thực hành - thi cử trực tuyến 100% … hay tham gia vào các hoạt động khác mà không cần hiện diện tại trường.

Được biết, mặc dù có tới 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021 nhưng Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 90.000 lượt sinh viên với 196 môn học, hơn 1.400 lớp học online cho hơn 12.000 sinh viên. Bên cạnh đó là tổ chức thi và bảo vệ đồ án, khóa luận trực tuyến cho gần 55.000 lượt sinh viên. Con số được cho là đáng mơ ước với bất kỳ trường đại học nào trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh đó, xây dựng đại học số cũng đang là xu hướng được một số tập đoàn công nghệ lớn trong nước lựa chọn khi đầu tư vào giáo dục. Điển hình là Tập đoàn Công nghệ CMC đã đầu tư giai đoạn đầu với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu thành trường Đại học CMC theo đúng chuẩn số hóa toàn diện từ hoạt động đến công tác giảng dạy.

Nói về mô hình hoạt động trường Đại học CMC, Phó ban Đại học Số - TS Nguyễn Kim Cương cho biết, có nhiều nét tương đồng với một công ty công nghệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở sản phẩm đầu ra của đại học công nghệ là con người có tri thức. Vừa ra trường đã có thể bắt tay vào công việc được luôn mà không cần DN phải đào tạo thêm.

Với mục tiêu thiết lập được kết nối sinh viên - trường đại học - DN, nhà trường sẽ luôn nắm được nhu cầu DN cần gì để có chương trình đào tạo phù hợp dành cho sinh viên. Đây sẽ là một nguồn nhân lực không chỉ quan trọng cho các công ty thành viên của CMC mà còn cho những đối tác như Microsoft, Samsung SDS…

 

Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu: Hoàn thiện và thí điểm mô hình đại học số tại một số cơ sở giáo dục đại học vào năm 2025, tới 2030 có tối thiểu 50% trường đại học công lập trên toàn quốc áp dụng mô hình này; Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần