Chuyển đổi số - "tàu siêu tốc" kéo doanh nghiệp chạy nhanh hơn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các câu hỏi về thuế, chính sách thuế, các thủ tục mới về việc kê khai, nộp thuế, cách thức tính thuế năm 2022, quy định về mẫu kê khai hóa đơn điện tử... đã được chuyên gia, nhà quản lý giải đáp cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đó là nội dung chính tại tọa đàm trực tuyến: “Doanh nghiệp với chuyển đổi số và những điều cần biết về thuế” do Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup phối hợp với Mobifone tổ chức ngày 20/1.

Các diễn giả chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại sự kiện.
Các diễn giả chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại sự kiện.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyển đổi số như một “cây đũa thần” giúp doanh nghiệp đi trên một con đường siêu tốc nhanh nhất trong tái cấu trúc và chuyển đổi chiến lược. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan mới số hóa được một phần nhỏ nhưng đã ngộ nhận chuyển đổi số thành công.

Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 6/2020 với Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy vậy, chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, chúng ta làm chưa thực chất. Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch số và được tiến hành thông qua kết nối internet.

“Kinh tế số bao gồm tất cả lĩnh vực và nền kinh tế, gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, ligistic, tài chính ngân hàng... mà công nghệ số được áp dụng” - vị này thông tin. Đồng thời chỉ ra, có không ít người nhầm lẫn 2 khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số.

Đơn cử, việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng thì nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lệ file excel và quản lý trên đó bằng các phần mềm. Còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, big data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Có thể hiểu chuyển đổi số là mức độ cao cấp hơn số hóa.

Giải pháp hóa đơn điện tử của Mobifone.
Giải pháp hóa đơn điện tử của Mobifone.

Do vậy, chuyển đổi số được định nghĩa 3 bước, gồm: Số hóa, kết nối và thông minh. Hiện các doanh nghiệp thế giới tập trung 50% tài lực cho số hóa hệ thống, 30% kết nối dữ liệu, 20% cho giải pháp thông minh. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp, các cơ quan chưa hiểu rõ điều này mà chỉ tập trung ngay vào các giải pháp thông minh. Trong chuyển đổi số, khi có dữ liệu số rồi mới bàn tới câu chuyện dịch chuyển thông minh hơn.

Nói thêm về nội dung này, chuyên gia Thái Hòa nhận định, có 4 sản phẩm giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Một là, tất cả ứng dụng, tác nghiệp kỹ thuật số. Hai là, tương tác với khách hàng trên môi trường số, chia sẻ dữ liệu với khách hàng. Doanh nghiệp Việt mới đang ở những bước này. Điểm thứ 3 - 4 là chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới thì có rất ít doanh nghiệp làm được.  

Tại tọa đàm, trao đổi về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, đại diện Mobifone cho hay, giải pháp công nghệ số thông minh - MobiFone Smart Sale với những tính năng đặc biệt sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả, tối ưu nguồn lực trong bối cảnh mới. Đặc biệt phải kể đến giải pháp số trong công tác thuế - MobiFone Invoice đang dần trở thành giải pháp hóa đơn điện tử toàn diện trên thị trường, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 78/2021/BTC theo Thông báo của Tổng cục Thuế.

Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng chia sẻ, hóa đơn điện tử giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hóa đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Dùng hóa đơn điện tử giúp áp dụng công nghệ thông tin, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế,

Có 9 nội dung thuế các đơn vị cần quan tâm, gồm: Doanh thu/dòng tiền, giá vốn/thuế giá trị gia tăng đầu vào/kho hàng, lương/bảo hiểm xã hội/chi phí nhân viên, khấu hao tài sản cố định hay thuê tài sản, chi phí tài chính/lãi vay/giao dịch liên kết, chi phí trích trước/trả trước/dự phòng, khấu trừ thuế với nhà thầu nước ngoài, khấu trừ thuế đại lý cá nhân, ưu đãi thuế/giao dịch thực hiện ngoài Việt Nam…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần