Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí: Chân trời phát triển mới

Việt An thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số (CĐS) đang là câu chuyện của tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó báo chí là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình này. Các cơ quan báo chí Việt Nam đã và đang làm gì để đáp ứng được yêu cầu mới, khẳng định được vị trí, vai trò trong thời đại công nghệ số? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi xung quanh vấn đề này.

 
Ông nghĩ gì về câu chuyện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện nay?
- CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đó là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật… Xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay cũng là một chủ trương lớn của Việt Nam.

Với tư cách là một ngành nghề luôn phản ứng nhanh nhạy với mọi biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của CĐS. Vì thế, báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong công cuộc này. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, CĐS phải là xu thế tất yếu của các báo chí hiện nay.

Vậy từ thực tiễn báo chí hiện nay, theo ông, chuyển đổi số trong hoạt động lĩnh vực này có những nội dung gì cần lưu ý?

- Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thấy ngày càng xuất hiện những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như longform, e-magazine, mega-story, infographics… và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa. Trong công cuộc CĐS, các cơ quan báo chí hiện nay đang tập trung phát triển báo mạng điện tử, xây dựng fanpage trên Facebook, lập kênh Youtube để tạo ra những đường dẫn giúp người đọc có thông tin nhanh, đúng và hiệu quả nhất. Ngoài ra, các xu hướng báo chí đang thịnh hành trên thế giới đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động CĐS, như xu hướng báo chí đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…

Song cũng như các ngành nghề khác, CĐS trong báo chí không đơn thuần là đưa thông tin lên mạng Internet, nó còn phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính cốt lõi, đó là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm; có sự thống nhất và phân chia nhiệm vụ giữa các bộ phận xuất bản in, phát thanh, truyền hình, điện tử, để làm sao thông tin đến với công chúng hiệu quả nhất.

Như ông đã nêu, CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại và báo chí không thể nằm ngoài cuộc. Vậy ông cảm nhận thế nào về sự sẵn sàng của các cơ quan báo chí Việt Nam trong công cuộc CĐS?

- Các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc CĐS. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho báo chí CĐS. Bộ TT&TT cũng đã xây dựng các nền tảng để hỗ trợ báo chí. Trong đó, nền tảng quản lý tòa soạn điện tử cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số. Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội. Nền tảng phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin nhằm bảo vệ các cơ quan trên môi trường số.

Thực tế, ở hầu hết các cơ quan báo chí của ta hiện nay, CĐS rõ nhất là ở bộ phận tòa soạn, một số tờ báo đã tiên phong hình thành các tòa soạn hội tụ (như Vnexpress, Nhà báo và Công luận…) để chủ yếu phục vụ phần nội dung. Ở các bộ phận còn lại như công tác bạn đọc, hành chính quản trị thường được số hóa một phần. Song mục đích cần hướng tới CĐS phải là một quá trình liên hoàn, toàn diện ở tất cả các khâu trong hoạt động báo chí, từ tác nghiệp của phóng viên đến sản xuất tác phẩm báo chí, cũng như lan toả tác phẩm đến công chúng và sự tương tác giữa công chúng với cơ quan báo chí, kể cả vấn đề thu phí nội dung.

Trong số hơn 45.000 người lao động trong lĩnh vực báo chí, có hơn 21.000 người được cấp thẻ nhà báo, một tín hiệu đáng mừng là số đông những người làm báo chuyên nghiệp đều sẵn sàng tham gia vào quá trình CĐS. Bởi họ nhìn thấy lợi ích của việc này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình tác nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả của tác phẩm báo chí. Chính lực lượng này sẽ thúc đẩy quá trình CĐS tại các tòa soạn.
Công nghệ số mở ra nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí.
Theo ông, những khó khăn mà các cơ quan báo chí sẽ phải đương đầu trong quá trình CĐS là gì và đâu là thách thức lớn nhất?

- Để có thể CĐS một cách đồng bộ và thống nhất, kinh phí đầu tư chính là nỗi trăn trở lớn đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo, truyền thông đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài các nguồn thu vốn có, việc thu phí nội dung tác phẩm báo chí, trên báo điện tử cần phải được tính đến. Câu chuyện này không mới vì trên thực tế, hình thức bán tin tức này đã được một số cơ quan báo chí thực hiện như TTXVN và Vietnamplus. Chính vì thế, chất lượng nội dung của tờ báo càng cần phải được coi trọng hơn bao giờ hết.

Song CĐS là vấn đề thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức chứ không chỉ là vấn đề tài chính hay công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người đứng đầu, mà cụ thể ở đây là Tổng Biên tập của tờ báo. Tổng Biên tập nào tờ báo đó.

Vậy ông hình dung thế nào về hiệu quả của việc CĐS mang lại cho hoạt động báo chí tại Việt Nam trong thời gian tới?

- CĐS đang và sẽ mang lại cơ hội chưa từng có, mở ra chân trời phát triển mới cho hoạt động báo chí. Nhờ có CĐS, các sản phẩm báo chí sẽ ngày một đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. CĐS còn giúp tăng mạnh mẽ tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Ngoài ra, CĐS sẽ giúp công tác điều hành cơ quan báo chí cũng như ở các cấp Hội Nhà báo nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.

Cách đây 3 năm, tôi đã dẫn đầu đoàn công tác gồm 10 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương đi học hỏi kinh nghiệm xây dựng tòa soạn hội tụ ở một số tập đoàn báo chí lớn tại Vương quốc Anh. Sau chuyến đi đó, các Tổng Biên tập này đã triển khai khá hiệu quả việc xây dựng tòa soạn hội tụ ở cơ quan của họ. Điều đó cho thấy việc đưa hoạt động báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại là mong muốn chung của các cơ quan báo chí hiện nay, mà CĐS là con đường nhanh nhất để biến mong muốn đó trở thành hiện thực.

Sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn phối hợp với Bộ TT&TT thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc CĐS ở các cơ quan báo chí, trong đó có việc tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt CĐS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng Đề án công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động điều hành hệ thống Hội Nhà báo từ T.Ư đến cơ sở. Đề án đó sẽ hiện thực hóa chủ trương CĐS.

Hội Nhà báo Việt Nam rất khuyến khích các cơ quan báo chí chủ động bắt nhịp, xây dựng các đề án để mau chóng đưa công cuộc CĐS vào hoạt động nghiệp vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần