Đây cũng là vấn đề mà hệ thống Liên minh HTX TP Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Bước đầu có hiệu quả tích cực
Tại Hà Nội, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) là một trong những đơn vị có quy mô canh tác rau an toàn thuộc tốp đầu. Hiện trung bình mỗi ngày, đơn vị cung ứng cho thị trường khoảng 70 tấn rau củ quả các loại. Trong nhiều năm qua, công nghệ tưới bán tự động được HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức áp dụng triệt để trên gần 40ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này giúp tiết giảm công lao động và kiểm soát chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh trưởng, phát triển của rau củ quả.
Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, ngoài công nghệ tưới, hiện nay việc ghi chép thông tin mùa vụ, chế độ chăm sóc rau củ quả và giao dịch hàng hóa cũng đang được đơn vị tích cực chuyển đổi sang sử dụng công nghệ thông tin. Điều này giúp quá trình quản lý thuận lợi hơn.
Kể từ khi đi vào hoạt động hơn 5 năm trước, các thành viên HTX Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) đã rất chú trọng đến xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ổi Đài Loan. Hiện, diện tích trồng giống ổi này của HTX khoảng 15ha, đáp ứng đầy đủ điều kiện theo tiêu chuẩn sản xuất VietGAP.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm, hiện nay việc tiêu thụ ổi Đài Loan của đơn vị vẫn chủ yếu theo kênh phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, HTX đang từng bước tiếp cận, giới thiệu và bán sản phẩm ổi thông qua trang thương mại điện tử “Chợ nhà mình” do Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng, quản lý vận hành. Việc tiêu thụ đa kênh giúp HTX thu về lợi nhuận lớn hơn, từ đó cải thiện đáng kể thu nhập cho các thành viên HTX.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) Đinh Văn Sơn cho biết, hiện nay quy trình quản lý của đơn vị vẫn chủ yếu thông qua sổ sách ghi chép bằng tay. Sản phẩm mật ong của HTX đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận 4 sao OCOP nhưng hiện vẫn đang hoàn thiện quy trình cấp mã truy xuất nguồn gốc.
“Do mới thành lập nên việc quản trị vận hành với HTX còn rất nhiều mới mẻ. Chúng tôi đang từng bước nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mật ong, để từng bước chuyển đổi sang quản lý sản xuất, tiêu thụ bằng công nghệ thiết bị” - ông Đinh Văn Sơn cho hay.
Là một trong những HTX có số lượng thành viên lớn, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc HTX Đàm Văn Đua cho biết, trong HTX có nhiều thành viên cao tuổi, do đó việc sử dụng thiết bị di động để quản lý sản xuất ít nhiều gặp khó khăn.
Theo chia sẻ của đại diện một số HTX trên địa bàn Hà Nội, năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ là rào cản hiện nay đối với các HTX truyền thống. Trong khi đối với các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và nhóm “HTX trẻ” thì thuận lợi hơn rất nhiều.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, thực tế hiện nay vẫn chưa có hỗ trợ trực tiếp nào dành cho các HTX trong quá trình chuyển đổi số. Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn Hà Nội chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, ứng dụng công nghệ 4.0 mang lại nhiều giá trị cho HTX. Không chỉ giúp quá trình vận hành của các đơn vị thành viên HTX trở lên hiệu quả, điều này còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại nguồn thu lớn hơn cho các HTX.
“Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp các HTX thích ứng với sự thay đổi trong quản trị và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh mới” - ông Phong nhấn mạnh đồng thời cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, DN về công nghệ, tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thành viên HTX tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0. Cùng với đó lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai để đề xuất UBND TP Hà Nội giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các HTX.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể tại Hà Nội nói riêng, TS Đào Trọng Hiếu - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm là đòi hỏi đặt ra hiện nay. Cùng với việc đáp ứng yêu cầu của thị trường về nông sản chất lượng cao, đây còn là tiền đề để cụ thể hóa định hướng chuyển đổi số trong các HTX.
Cũng theo TS Đào Trọng Hiếu, để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên trong hệ thống Liên minh HTX. “Chỉ cần các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tự khắc sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Khi đó công cuộc chuyển đổi số mới mong đạt được kỳ vọng” - TS Đào Trọng Hiếu bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên nền tảng ứng dụng công nghệ, Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 08/KH-UBND để hỗ trợ nội dung này. Hiện, Liên minh HTX đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tư vấn, hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm lên Postmart.vn - sàn thương mại điện tử do đơn vị này xây dựng, quản lý vận hành. Đây là sàn thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX hoàn toàn miễn phí.