Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số từ nội bộ mỗi tờ báo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số đang là hướng đi bắt buộc với báo chí Việt Nam để thích nghi với thời cuộc. Tuy nhiên để sự thay đổi này thực sự mang tính "bước ngoặt" thì việc chuyển đổi số phải được thực hiện ngay trong công tác vận hành tòa soạn của mỗi cơ quan báo chí.

Ảnh: Duy Linh
Ảnh: Duy Linh

Có thể nói, các cơ quan báo chí Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn mang tính sống còn "chuyển đổi số hay là chết". Trong khoảng 2 năm trở lại đây đã có nhiều cơ quan báo chí bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên có nhiều đơn vị chỉ thực hiện mang tính hình thức, chưa thay đổi về căn bản do đó hiệu quả mang lại không cao. Nhưng bên cạnh đó lại có một số tờ báo đã thực sự nghiêm túc với quá trình này khi bắt đầu chuyển đổi số cho "trái tim" của mình khi thay đổi triệt để ngay tại tòa soạn, từ mô hình cũ sang tòa soạn tích hợp và hội tụ công nghệ.

Theo Tổng Biên tập VTC News Ngô Văn Hải, để một tờ báo điện tử hoạt động tốt trong môi trường số thì bản thân tòa soạn cũng phải được số hóa trong khâu vận hành. Bên cạnh chiến lược chuyển đổi số về nội dung dành cho độc giả, chuyển đổi số cho tòa soạn là lĩnh vực mà VTC News tin rằng phải thực hiện nhanh nhất, triệt để nhất có thể.

Ở VTC News, hệ thống CMS đã được xác định là trái tim của quá trình chuyển đổi số chứ không phải chỉ đơn thuần là công cụ xử lý nội dung. Ngay từ năm 2020, VTC News đã tự xây dựng CMS với mã nguồn riêng để có thể kiểm soát công nghệ một cách chủ động.

Cũng theo Tổng Biên tập VTC News, việc phân tích trực tiếp các số liệu thu được từ các hệ thống đo lường, đánh giá uy tín của quốc tế có thể thực hiện trực tiếp ngay trên CMS. Cụ thể, thông tin về lượng truy cập, luồng người đọc, xu hướng thông tin,… sẽ được đội ngũ kỹ thuật của VTC News phân tích ngay trên từng bài viết, cập nhật liên tục.

Đáng chú ý, công tác vận hành của tòa soạn cũng được tối ưu hóa khi cho phép đánh giá KPI chi tiết tới từng phóng viên, biên tập viên ngay trên CMS. Điều này sẽ giúp tòa soạn giám sát được triệt để năng suất làm việc của phóng viên và biên tập viên, từ đó có định hướng công việc tốt hơn.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với các cơ quan báo chí, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hoá và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà đây thực sự là cuộc cách mạng trong đổi mới phương thức sản xuất, quy trình sản xuất, cách thức quản lý và thiết lập tòa soạn từ truyến thống sang môi trường số.

“Để làm được chuyển đổi số các cơ quan báo chí cần thay đổi nhận thức, tư duy từ lãnh đạo đến từng cá nhân. Bên cạnh việc đầu tư, đổi mới công nghệ thì cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để có thể làm việc trong môi trường số; cần nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số để việc chuyển đổi số thực sự hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” - nhà báo Đồng Mạnh Hùng, báo Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ.