Chuyển đổi xanh - cơ hội vàng để kiến tạo những giá trị mới cho doanh nghiệp Việt
Kinhtedothi - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên ngày càng gay gắt, "chuyển đổi xanh" đã vượt lên trên định nghĩa của một xu hướng hay một lựa chọn chiến lược đơn thuần để trở thành một yêu cầu sống còn, một lộ trình tất yếu mà mỗi doanh nghiệp Việt cần phải dấn thân để tồn tại và phát triển bền vững.
Chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp mà là cơ hội vàng để kiến tạo những giá trị mới, định hình lại vị thế cạnh tranh và chạm đến những phân khúc khách hàng có ý thức môi trường ngày càng cao.
Chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết
Ngày 23/7, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức họp báo giới thiệu "Diễn đàn Chuyển đổi xanh và Ngày hội tái chế 2025".
Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch HVNCLC, nhấn mạnh: "Chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động sống còn". Tuyên bố này đã gói gọn tầm nhìn chiến lược về vai trò của doanh nghiệp trong hành trình hướng tới Net Zero của Việt Nam. Cụ thể, chuyển đổi xanh không đơn thuần là việc cắt giảm khí thải hay tối ưu hóa tài nguyên, mà còn là quá trình tái cấu trúc toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến cách thức phân phối và tiêu dùng.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thông tin về Diễn đàn Chuyển đổi Xanh, chiều 23/7. Ảnh: BTC
Chính trong quá trình này, doanh nghiệp có thể tìm thấy những cơ hội chưa từng có: đổi mới công nghệ, tối ưu hóa chi phí, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, mở rộng thị trường, và xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững trong lòng người tiêu dùng có ý thức. Các giải pháp như quản trị chuỗi cung ứng xanh, công nghệ tái chế, và áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng thích ứng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
“Diễn đàn Chuyển đổi xanh và Ngày hội tái chế 2025 sẽ có hàng loạt các gian hàng về bao bì sinh học, bao bì giấy, trạm refill và sản phẩm tẩy rửa từ vỏ dứa phản ánh mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng rõ nét, đi cùng xu hướng sống xanh, tiêu dùng có trách nhiệm. Đồng thời, không gian triển lãm còn trưng bày sản phẩm từ nguyên liệu bản địa như: xơ mướp, cỏ bàng, xơ dừa, được tái sinh thành giỏ xách, đồ gia dụng nhờ bàn tay nghệ nhân. Vải vụn ngành may mặc cũng trở thành túi tote, buộc tóc, …Đây đều là những minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa công nghệ, ý tưởng sáng tạo và tinh thần bảo vệ môi trường” - bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Hàng loạt mô hình xanh kiến tạo giá trị đột phá
Cũng trong khuôn khổ họp báo, bà Nguyễn Bích Diền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kết Nối Thời Trang (Faslink), đưa ra thông điệp lạ: không khuyến khích khách hàng mua nhiều! Thay vào đó, Faslink tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm thời trang bền vững, có giá trị sử dụng lâu dài (2-3 năm so với vài tháng của thời trang nhanh), với thiết kế tối giản để dễ dàng tái chế. Đây là ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả một triết lý tiêu dùng có trách nhiệm.

Bà Nguyễn Bích Diền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kết Nối Thời Trang (Faslink) chia sẻ chuyện lạ, khi nhãn hàng "không khuyến khích khách hàng mua nhiều". Ảnh: BTC
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - đại diện Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh (nhóm các bạn trẻ hành động vì môi trường) cho biết, sẽ mang đến ngày hội robot thu gom rác dưới nước. Robot này được sử dụng bằng năng lượng mặt trời và đã được nhóm triển khai thực nghiệm thu gom rác tại vùng kênh rạch ở quận 7 (cũ), TP Hồ Chí Minh.
“Giai đoạn đầu, khi triển khai thực hiện chúng tôi vẫn có một số khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình robot dọn rác dưới nước này tại vùng kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh và kỳ vọng tương lai có thể thay thế cho con người” - chị Nguyễn Thị Như Quỳnh nói.

Robot dọn rác dưới nước đã được thực nghiệm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Còn ông Lê Anh - đại diện DUYTAN Recycling chia sẻ, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại, truy xuất nguồn gốc và xây dựng chuỗi tuần hoàn nhựa khép kín nhằm ứng phó với vấn nạn rác thải nhựa.
Tại họp báo, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ trong hành trình chuyển đổi, đặc biệt là truyền thông nâng cao nhận thức tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Trích dẫn
Diễn đàn “Chuyển đổi xanh và Ngày hội tái chế 2025” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 31/7, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), quy tụ gần 500 đại biểu từ các bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trường đại học và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường, hứa hẹn là không gian đối thoại, chia sẻ sáng kiến và kết nối giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa doanh nghiệp và đời sống, phát triển kinh tế tuần hoàn và tái chế tài nguyên hiệu quả.
Điểm nổi bật của diễn đàn là trình diễn hàng loạt sáng kiến tiêu biểu như máy in 3D sử dụng nhựa tái chế, túi đi chợ làm từ lưới đánh cá, robot nhặt rác, phao chắn rác thông minh và các sản phẩm bao bì sinh học, chất tẩy rửa từ vỏ trái cây… thể hiện rõ tinh thần đổi mới và sống xanh.
Diễn đàn còn có tọa đàm “Hành trình xanh hóa doanh nghiệp Việt – Hướng tới Net Zero”; triển lãm sáng kiến xanh, ký kết hợp tác chuyển đổi xanh và cuộc thi sáng tạo tái chế - tuần hoàn dành cho sinh viên;…

Hướng đi đúng cho phát triển kinh tế xanh
Kinhtedothi - TP Hà Nội đang có một bước đi táo bạo khi chủ trương quy hoạch và cải tạo mở rộng không gian công cộng khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm.

Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh của Thủ đô
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh - GEFE 2024
Kinhtedothi - Ngày 21/10 tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa châu Âu và Việt Nam.