Áp lực từ đối tác, khách hàng
Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu qui định. Các nước đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, các ngành hàng xuất khẩu không thể đứng ngoài cuộc.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết, “xanh hóa” đã trở thành yều cầu tất yếu và “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và nước ngoài. Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh và môi trường sống an toàn, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được sự quan tâm của xã hội. Không dừng lại đó, với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Gần đây nhất, Liên minh Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo, bắt đầu từ ngày 1/10/2023, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Trước yêu cầu này, các doanh nghiệp cần phải kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững (Tập đoàn PAN) Nguyễn Trung Anh cho biết, nhiều khách hàng từ EU của PAN rất coi trọng việc truy dấu vết carbon trên sản phẩm. Vì vậy, Tập đoàn phải thực hiện kiểm kê carbon và giải pháp giảm dấu vết carbon trên từng sản phẩm của mình.
Theo ông Nguyễn Trung Anh, việc sản xuất xanh không chỉ là áp lực của đối tác, mà hướng sản xuất này còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như cần giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa quá trình sản xuất. “Hàng năm, Công ty của PAN có hàng nghìn tấn vỏ tôm sau chế biến. Thay vì tốn chi phí xử lý, Tập đoàn hợp tác với công ty khác chế biến thành thức ăn chăn nuôi và có thêm khoản thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận đều tăng do giá trị thương hiệu tăng khi đưa hàng ra thị trường quốc tế và có thể thâm nhập các thị trường có giá trị cao hơn” - ông Nguyễn Trung Anh chia sẻ.
Mở cơ chế, thông nguồn lực
Sản xuất xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay khi chuyển đổi xanh, đó là làm sao phải giải quyết được các vấn đề như phải thay đổi được nhận thức của con người; công nghệ sản xuất phù hợp; trình độ lao động; nguồn vốn...
Qua khảo sát có 83% doanh nghiệp cho rằng sản xuất xanh giúp nâng cao hình ảnh và uy tín; 57% doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững bởi đây là áp lực cần tuân thủ nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác tại châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, có 70% doanh nghiệp cho biết chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa hiểu rõ lợi ích của kinh tế xanh và phát triển bền vững nên chưa sẵn sàng đầu tư, chuyển đổi sản xuất - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến chia sẻ.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.
Cùng chung quan điểm cần cơ chế mở, thông nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần giảm thuế, đồng thời, cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh được vay vốn để thực hiện chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cao, nhằm giảm chi phí.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành những cơ chế, chính sách định hướng cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, một số dự án, chương trình mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp hiệu quả.
Để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi sản xuất và tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có tư duy đúng về phát triển bền vững để tận dụng những ưu đãi thuế quan trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia để thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những yêu cầu đặt ra trong các FTA là doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.