Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển động mạnh mẽ từ sự nỗ lực, sáng tạo

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 11/2016 là tròn một năm của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội Khóa XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Còn quá sớm để đánh giá, tuy nhiên với nhiều cách làm cụ thể, bài bản, quyết liệt nhưng cũng hết sức sáng tạo, TP đã bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm quan trọng để các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ.
Nâng cấp chỉ tiêu
9 tháng năm 2016, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận Đống Đa đã đạt hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 108,35% kế hoạch). Với đà thắng lợi ấy, TP đã quyết định giao thêm cho Đống Đa thu thêm trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2016. Không phải không có những băn khoăn, lo lắng, nhưng lãnh đạo quận đều bày tỏ quyết tâm cố gắng hoàn thành mục tiêu đầy khó khăn này. Một trong những “bí quyết” quan trọng được quận tiếp tục áp dụng là tăng cường sự chỉ đạo với các đơn vị, các phường với chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể. Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho biết, từ Thường trực đến các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy đều được phân công “kèm” từng cơ sở, sâu sát địa bàn để vừa đôn đốc, vừa tháo gỡ kịp thời vướng mắc, nhằm thúc đẩy nhiệm vụ thu.
Ở dưới cấp phường cũng vậy, tất cả đều được phân công, phân nhiệm để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Theo Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn, đến hết tháng 8/2016, phường đã thu ngân sách đạt trên 33 tỷ đồng, bằng 130% chỉ tiêu của năm. Để “ra” được con số này, ngay từ đầu năm, phường đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN trên địa bàn, vừa để xem có thể giúp gì được cho DN với thẩm quyền của địa phương hay không, vừa “nhắc khéo” việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải

Tại Chi cục Thuế quận Đống Đa, Chi cục trưởng Lê Quang Hùng cho biết, hàng loạt biện pháp cũng được triển khai từ cải cách hành chính, hỗ trợ DN đến chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Không có chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cán bộ của Chi cục làm việc đến 8 giờ tối là “chuyện thường ngày ở huyện” theo cách nói vui của ông Hùng. Nhờ đó, đến cuối tháng 10/2016, đơn vị đã thực hiện được trên 4.471 tỷ đồng, đạt 120,2% dự toán pháp lệnh và đạt 91% dự toán phấn đấu, tăng 22,9% so cùng kỳ năm trước.
Không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được TP giao, nhiều địa phương còn mạnh dạn… “ôm” thêm việc để phấn đấu. Như tại huyện Gia Lâm, bên cạnh 14 chỉ tiêu TP giao, huyện còn bổ sung 3 chỉ tiêu khác và nâng cao hơn 7 chỉ tiêu để thực hiện, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách. Biết là khó, nhưng lãnh đạo huyện xác định nếu không quyết tâm, không linh hoạt cách làm thì sẽ rất khó để tạo sức bật mới trên địa bàn. Thu ngân sách của huyện 9 tháng đã đạt 1.093 tỷ đồng, bằng 198,1% dự toán được giao là câu trả lời thỏa đáng cho những nỗ lực ấy.
Không chọn việc nhẹ nhàng
Tại quận Bắc Từ Liêm, xác định kinh tế là khâu đột phá, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã xây dựng Chương trình 02 về “Phát triển kinh tế; huy động và sử dụng  hiệu quả các nguồn lực giai đoạn 2015 – 2020”. Trên cơ sở đó, nhiều kế hoạch đã được triển khai để cụ thể hóa các mục tiêu. Đơn cử như đề án chính quyền điện tử, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Nắng Mai, vừa giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, vừa phục vụ tiện lợi cho người dân, DN. Với đăng ký kinh doanh, người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa của các phường và được hướng dẫn làm luôn, không phải mất thời gian qua quận nữa. Cùng với đó, các phòng ban, các phường đều sẽ có những “đội cơ động” mang máy tính đến các chợ, thậm chí tận nhà các tiểu thương để hỗ trợ, hướng dẫn các hộ đăng ký kinh doanh, cấp giấy xác nhận ATTP. Đây là cách vừa giúp làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, vừa tăng thu ngân sách trên địa bàn. Với “lợi ích kép” như vậy, nguồn lực quan trọng này sẽ tiếp tục được quận khai thác trong thời gian tới, đồng thời đưa công tác cải cách hành chính ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Nhờ đó, thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng năm 2016 đạt trên 3.700 tỷ đồng, bằng 372% so với 9 tháng năm 2015, đạt 159% dự toán TP giao.
Tương tự Bắc Từ Liêm, hàng loạt quận, huyện khác như Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức… đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xác định đây chính là nguồn lực để phát triển. Tinh thần này cũng đã “thấm” đến các sở, ngành gắn với tinh giản biên chế. Đầu mối thu gọn, số người giảm, thủ tục đơn giản thực sự giúp công việc “trôi” hơn rất nhiều, nhất là cho các DN.
Phải thấy sốt ruột hơn vì công việc
Có được những kết quả đó là nhờ sự sáng tạo, quyết tâm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò “cầm cương” của Thành ủy – UBND – HĐND TP. Song song với việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chỉ hơn nửa năm sau thành công của Đại hội Đảng bộ TP Khóa XVI, Thành ủy đã hoàn tất việc ban hành 8 Chương trình công tác lớn và 2 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về du lịch, GPMB. Đây là những “kim chỉ nam” quan trọng để TP thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra.
Giữa bộn bề công việc như vậy, nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội không những không bị buông lơi, mà còn được tập trung đẩy mạnh. Nhờ vậy, trong 10 tháng năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 138.000 tỷ đồng, bằng 81,8% dự toán. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP năm 2016 ước tăng 8,03% - là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây; thu ngân sách ước đạt gần 174.000 tỷ đồng, bằng 102,6% so với dự toán, tăng 16,2% so với năm 2015. Cùng với đó,  TP đã thu hút 445 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD (tăng 2,6 lần so với năm 2015), trong đó có một số dự án lớn thuộc các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư về công nghệ, môi trường, tài chính.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, sự nghiêm túc, bài bản, quyết liệt từ TP đến cơ sở chính là chìa khóa để tạo nên những kết quả này. Ngay từ Thành ủy, việc đổi mới trong chỉ đạo điều hành là yêu cầu hàng đầu. Điều này thể hiện rõ qua việc quyết liệt tinh giản biên chế, cải cách hành chính qua các hội nghị giao ban trực tuyến, xây dựng hộp thư điện tử, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc.
Bên cạnh những thành công bước đầu, lãnh đạo TP cũng đã thẳng thắn nêu lên một số hạn chế trong việc triển khai các nhiệm vụ trong 9 tháng năm 2016. Đó là sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn thấp, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu không đạt như kế hoạch. Nói về điều này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ 5 năm trôi đi rất nhanh, các đồng chí phải thấy sốt ruột vì công việc. Cần thường xuyên đánh giá việc thực hiện các mục tiêu để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh cho phù hợp”. Nguồn lực từ ngân sách có hạn, trong khi những nguồn lực khác chưa được khai thác, huy động vì những cản trở về thủ tục hành chính, vì thiếu sự chủ động sáng tạo, chưa dám nghĩ dám làm hay vì tâm lý trông chờ, thiếu nhiệt huyết... “Để gỡ bỏ được những hạn chế về hạ tầng phải bắt đầu trước hết từ chính chúng ta, từ con người, từ cơ chế, để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phải mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ dám làm, quyết tâm tìm mọi giải pháp hoàn thành nhiệm vụ” - Bí thư Thành ủy đã không ít lần nhấn mạnh như vậy khi làm việc với các địa phương thời gian qua.
Hy vọng tinh thần quyết tâm đó từ người đứng đầu Đảng bộ TP sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra.