Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ hoả hoạn từ máy sấy quần áo

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều gia đình đang ở nhà trọ, chung cư hay nhà có không gian nhỏ hẹp sử dụng 1 chiếc máy sấy để tiết kiệm diện tích là cần thiết. Nhưng với chất lượng kém, vị trí đặt không đúng sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Thị trường máy sấy đa dạng sản phẩm, mẫu mã.
Thị trường máy sấy đa dạng sản phẩm, mẫu mã.

Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

Anh Nguyễn Hoàng Linh (quận Long Biên) cho biết, vì nhà có trẻ nhỏ, người già với căn chung cư của anh diện tích ban công không đủ để đặt chỗ phơi quần áo. Do vậy, anh cũng vừa chọn mua một máy sấy quần áo của Electrolux có tích hợp khả năng sấy nhanh với giá hơn 7 triệu đồng.

"Trước tôi có mua một chiếc máy sấy đặt ở ngoài ban công, nhưng sau khi dùng một thời gian máy bị hỏng, do tiếp xúc với thời tiết làm hỏng động cơ bên trong. Cắm điện một lúc máy có mùi khét đành phải bỏ không dám dùng" - anh Linh cho hay.

Anh Trần Quang Thiệp, nhân viên siêu thị Pico Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng máy, tủ sấy quần áo cạnh tranh nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú về mẫu mã.

Tuy nhiên, khi lắp đặt dù dòng máy nào cũng không nên để máy tiếp xúc với thời tiết (như ban công, sân thượng) vì có thể làm hỏng máy giặt, máy sấy một cách nhanh chóng.

Chưa kể máy giặt, máy sấy có thể cản trở việc lưu thông không khí, ảnh hưởng đến việc điều hoà nguồn năng lượng, ánh sáng vào nhà. Nếu bắt buộc phải để ở ban công, trùm túi bảo vệ để che chắn cho hai thiết bị này.

Bên cạnh đó, khi sử dụng, thì nên để máy cách xa nguồn nước hoặc lửa 1,5m, không được rửa bằng nước mà chỉ được vệ sinh bằng khăn ẩm. Quần áo trước khi cho vào sấy phải được vắt khô để tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn, vì trong quá trình sử dụng, quần áo được vắt khô sẽ làm tăng khả năng cách điện, cũng như thời gian sấy.

Theo KTS Ngô Tâm, cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình chọn lựa sử dụng máy móc thông minh để phục vụ đời sống. Trong đó, máy giặt và sấy quần áo luôn được ưu tiên hàng đầu đối với các gia đình có không gian nhỏ hẹp không đủ để phơi đồ.

"Tuy nhiên, các gia đình thường sắp xếp máy giặt và máy sấy quần áo không phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Nếu đặt ban công, hoặc gần nơi ẩm ướt công tắc và dây dẫn có thể bị nóng chảy, sự quá tải điện khiến mạch, dây dẫn và công tắc bị nóng, dẫn đến chảy và hư hỏng đồng thời có thể gây ra cháy" - KTS Ngô Tâm cho biết.

Chú ý an toàn

Tuy nhiên, khảo sát trên một số sàn thương mại điện tử, thị trường tủ sấy quần áo rất đa dạng, tương đối rẻ với mức giá dao động từ 600.000 - 2 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó có rất nhiều máy là hàng trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ, không có bảo hành cũng như hướng dẫn sử dụng. Đây là điều nguy hại cho khách hàng nếu máy gặp sự cố, nhẹ thì làm hỏng quần áo và nặng có thể dẫn đến chập cháy.

Các chuyên gia cho biết, chính vì nhu cầu người dân lớn, tình trạng các sản phẩm tủ sấy có giá rất rẻ là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo hành cũng như hướng dẫn sử dụng tràn ngập trên thị trường. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm khi có thể gây ra chập cháy, thiệt hại về tài sản cũng như sức khoẻ, tính mạng con người.

Mới đây, Đội PCCC - Công an quận Ba Đình cũng đưa ra cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ từ máy sấy quần áo. Theo đó, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đang mưa phùn, sương mù, tiết nồm, độ ẩm tăng lên rất cao. Do đó nhu cầu sử dụng các loại máy như máy sấy quần áo hay tủ sấy quần áo của người dân đang tăng cao.

Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng các thiết bị này không đúng cách hoặc mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Việc cháy, nổ từ máy sấy quần áo không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, cần phải hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và giải pháp khi gặp sự cố liên quan đến cháy, nổ từ máy sấy quần áo.

Bảo dưỡng và vệ sinh máy sấy quần áo thường xuyên, kiểm tra và vệ sinh máy sấy quần áo. Nếu thấy bụi bẩn tích tụ quá nhiều, hãy dùng bàn chải mềm để làm sạch bẫy lọc. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra các bộ phận của máy sấy như ống thông gió, bộ lọc và cửa máy để đảm bảo chúng không bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng.

Việc sử dụng máy sấy quần áo đúng cách là yếu tố quan trọng nhất để tránh nguy cơ cháy nổ. Trước khi bắt đầu sử dụng, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và tuân thủ các chỉ dẫn về cách sử dụng máy sấy quần áo an toàn. Đảm bảo không sấy quá tải hoặc sấy các vật liệu không an toàn như nhựa, cao su có thể giải phóng khí dễ cháy.