Chuyên gia đánh giá về yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50cc phải có GPLX

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50cc phải có GPLX là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện tại.

 Thi lái xe an toàn do Công ty Honda tổ chức. 
Theo theo chuyên gia này, trước kia, chúng ta luôn nghĩ rằng tốc độ phương tiện là nguyên nhân chính gây ra thương vong trong các vụ TNGT, chính vì thế, khi xây dựng Luật Giao thông Đường bộ 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn dưới luật trước kia, xe máy dưới 50cc với công suất hạn chế, tốc độ thấp đã được loại trừ ra khỏi nhóm phương tiện bắt buộc phải có bằng lái mới được điều khiển. Những năm gần đây, đời sống được cải thiện, nhiều phụ huynh đã mua xe máy dưới 50cc cho con đi học thay vì phải đạp xe đạp vất vả, nhất là vào những lúc mùa hè oi bức. Đây là lý do hoàn toàn chính đáng. Nhưng sự nở rộ của các loại xe dưới 50cc và về số lượng và chủng loại, cộng thêm nhiều lái xe nhỏ tuổi chưa có ý thức tuân thủ đúng luật ATGT đã gây ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc” – ông Thanh nói.
Mặc dù ủng hộ yêu cầu người đi xe máy dưới 50cc phải có GPLX nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, trước khi áp dụng quy định trên vào cuộc sống, các cơ quan chuyên môn cần xây dựng được một bộ giáo án linh hoạt và phù hợp để tránh sự nhiêu khê, hình thức trong khi hiệu quả mang lại không cao. “Đối tượng điều chỉnh của quy định này hiện nay phần lớn thuộc những người dưới 18 tuổi, trong đó chủ yếu là học sinh và một phần là những người cao tuổi. Do đó, chương trình đào tạo và sát hạch bằng lái cần phù hợp chứ không thể bê nguyên mô hình khác vào sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ phản tác dụng và có thể phát sinh tiêu cực chạy chọt, mua bằng” – ông Thanh phân tích.
Theo đề xuất của chuyên gia giao thông này, thay vì bắt buộc tham gia đào tạo, sát hạch để cấp bằng lái như cách làm thường thấy, có thể điều chỉnh theo hướng đưa luật ATGT vào trường học để trở thành một môn học điều kiện bắt buộc. “Tuyệt đối đừng để bằng lái là tờ giấy đơn thuần, thủ tục nặng nề. Cái cần của chúng ta là nâng cao kiến thức về luật ATGT, về kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như ý thức khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Nếu đưa luật vào dạy trong nhà trường sẽ rất tốt” – ông Thanh nói.
Phân tích vấn đề theo góc nhìn khác, TS Phan Lê Bình – Chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, dư luận đang quá mải mê tập trung vào câu chuyện nên triển khai quy định (trong trường hợp được thông qua – PV) người đi xe điện và xe máy dưới 50cc phải có GPLX như thế nào và theo mô hình nào cho phù hợp với đối tượng học sinh (đối tượng chính sử dụng hai loại phương tiện này – PV) mà quên mất rằng điều quan trọng nhất chúng ta phải làm lúc này là thay đổi cách nhìn về tiêu chí đào tạo và sát hạch GPLX.
Theo ông Bình, không phải học sinh nào cũng có nhu cầu lái xe dưới 50cc hay xe điện nhưng nếu đưa thành môn học trong nhà trường sẽ vô tình ép buộc tất cả phải học kể cả người không có nhu cầu. “Tôi không cần học sao lại bắt tôi học? Cho nên các loại bằng lái, bằng nghề này nếu ai cần gì mới đi học chứ người không cần mà bắt người ta học thì sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng chức quyền” – ông Bình cho biết.
Chuyên gia của JICA cho biết thêm, dù đối tượng chính cần GPLX hạng A0 là học sinh nhưng không cần thiết phải có một mô hình đào tạo và sát hạch GPLX riêng cho nhóm đối tượng này.
Đặc biệt, theo chuyên gia của JICA, nhân câu chuyện này, chúng ta cần nhìn lại tiêu chí đào tạo, sát hạch GPLX ở nước ta. Điểm hạn chế nhất của mô hình dạy và thi bằng lái hiện nay đang quá chú trọng đến theo hướng dạy kỹ năng điều khiển phương tiện chứ không phải dạy người ta lái xe an toàn. Ví dụ như dạy người lái trước khi đánh lái phải nhìn đằng sau hoặc khi thấy ổ gà không được tránh mà phải giảm tốc dừng lại. “Những khái niệm về lái xe an toàn vẫn còn quá hiếm trong hệ thống đào tạo lái xe của Việt Nam. Cho nên muốn dạy, muốn sát hạch gì thì phải đáp ứng được tiêu chí làm sao lái được cho an toàn. Bên cạnh đó, tùy từng loại xe mà đưa ra chương trình đào tạo phù hợp chứ không phải dạy cùng một nội dung với tất cả các loại xe” – ông Phan Lê Bình nhận định.
Tôi đồng ý với đề xuất đi xe điện và xe máy dưới 50cc phải có GPLX. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu, điều quan trọng nhất không phải mô hình hay cách thức mà là thời lượng và dung lượng của chương trình đào tạo, sát hạch phải phù hợp với từng loại xe. Bởi nếu xe dưới 50cc mà vẫn bắt học và sát hạch giống như đối với các loại xe trên 50cc sẽ khập khiễng. 

Chuyên gia tư vấn cao cấp JICA -TS Phan Lê Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần