Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia hiến kế phục hồi và phát triển du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngành du lịch hồi phục và phát triển đòi hỏi phải mở cửa toàn bộ, từ cửa khẩu đường bộ, đường bay, xây dựng mối liên kết giữa các địa phương..., ngay cả ngành Ngoại giao cũng phải vào cuộc để chào đón khách du lịch. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày 25/12.

Toàn cảnh hội thảo ''Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển''.

Du lịch chạm đáy do Covid-19

Thông tin của Tổng cục Du lịch cho thấy trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

Thống kê sơ bộ, năm 2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch đạt hơn 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020 và có thể nói đã “chạm đáy”.

Cụ thể, du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 29% so với cùng kỳ, tổng thu 180.000 tỷ đồng. Lượng khách giảm mạnh nên đã có 35% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép, phần lớn dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú, chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam, cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách.

Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong 2 năm qua, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa tạm thời hoặc dừng hoạt động, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, địa điểm du lịch phải thu hẹp quy mô, giảm thiểu chi phí dẫn tới hàng triệu người trong ngành dịch vụ du lịch bị mất việc làm.

“Một trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, trước tiên và lớn nhất của đại dịch Covid-19 là ngành du lịch. Ngành du lịch phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có” - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Mở cửa mới có thể phục hồi

Để ngành du lịch hồi phục các đại biểu có chung ý kiến cần mở cửa  mọi hoạt động dịch vụ qua đó thu hút  du khách trong nước và quốc tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, muốn phục hồi du lịch, thì phải mở cửa đất nước, mở cửa hàng không, không thể cách ly với khách, nếu cách ly không ai đến. Ngoài ra, các ngành, các địa phương, phải mở và phải liên thông với nhau, không thể để tình trạng khách đến địa phương nhưng vướng những quy định phòng dịch Covid-19 do tỉnh đó ban hàng nên không thể thăm quan du lịch, thậm chí không quay về được.

“Bộ Y tế cần vào cuộc cùng ngành du lịch để đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn cho du khách quay trở lại. Ngoài ra, sự đồng bộ của các địa phương là rất quan trọng để du lịch thông suốt. Không thể để khách đến mà phải cách ly, khách phải được sống trọn vẹn ở Việt Nam", ông Hà Văn Siêu nói.

Đồng tình với ý kiến này Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) Phạm Trương Hoàng nhấn mạnh, để khôi phục du lịch phải vượt qua nỗi sợ. Cụ thể, ngành du lịch đã có bộ tiêu chí an toàn thì nay cần áp dụng đồng bộ, rộng rãi hơn từ địa phương, doanh nghiệp để du khách có thể thấy mình được an toàn.

 Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến đảo Phú Quốc.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ, việc mở cửa đã được thực hiện nhưng các địa phương thực hiện không đồng bộ, có "nhiều rào cản kỹ thuật" khiến việc đưa khách tới điểm thăm quan du lịch trong nước khó thực hiện.
“Doanh nghiệp du lịch rất cần biết về chính sách tổng thể đồng bộ về chống dịch trong 2022. Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo việc khai báo y tế thống nhất trên một hệ thống chung qua đó hạn chế tình trạng địa phương dựng rào cán”, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.
Liên quan đến các biện pháp hỗ trợ trước mắt, đại diện Viettravel cũng đề xuất cần có chính sách giảm thuế, hiện các chính sách giảm thuế quá thấp, không có hiệu quả. Chính phủ nên xem xét giảm tiếp thuế VAT 30% cho năm năm 2022 và 2023.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Oxalis Nguyễn Châu Á (đơn vị độc quyền thực hiện tour thám hiểm Sơn Đoòng) cho rằng, Việt Nam phải có những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế mà bất cứ ai trên thế giới cũng muốn đến một lần trong đời giống như thành công tour Sơn Đoòng. Vì thế doanh nghiệp đề xuất tăng thêm ngân sách cho Tổng cục Du lịch để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút khách trực tiếp bằng những sản phẩm độc đáo.
“Ngân sách cho hoạt động quảng bá của Việt Nam hàng năm là 2,9 triệu USD, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan và 2,5% của Singapore”, ông Nguyễn Châu Á dẫn chứng.
Trước những kiến nghị của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nói về lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, dự kiến chia 2 giai đoạn kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên.
Cụ thể, giai đoạn 1: Mở lại du lịch nội địa và du lịch quốc tế (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022), bảo đảm an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi hoạt động du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công.
Giai đoạn 2 tập trung phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài 1 đến 2 năm): Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội (các chương trình/đề án/kế hoạch/nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; truyền thông, xúc tiến quảng bá kích cầu du lịch; chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực...) để tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn cho ngành.

Thời gian tới Chính phủ nên ban hành các cơ chế, chính sách riêng, ưu tiên, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động nhằm tạo thuận lợi cho ngành du lịch. Xác định phục hồi, phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023. Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Du lịch Đoàn Văn Việt