Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia kinh tế lý giải nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua dù có nhiều tiến bộ nhưng đã bắt đầu bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết. Tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần hết dư địa. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là khu vực kinh tế quan trọng nhưng đóng góp còn rất hạn chế.

Đây là các chia sẻ tại Diễn đàn "Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019", do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/3/2019.
Toàn cảnh diễn đàn.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Dù đóng góp 40% GDP cho nền kinh tế, tuy nhiên sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là "động lực quan trọng của nền kinh tế. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ rõ nguyên nhân, thách thức cũng như đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Từ thực tế phát triển trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế "xin - cho", bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết, trong khi kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại thì kinh tế trong nước đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; mức ổn định của môi trường kinh doanh được quốc tế đánh giá cao; khu vực FDI khởi sắc...
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết. "Nguyên nhân chính của tình hình đó là môi trường kinh doanh còn hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 hạng, xếp thứ 69/190 nước, khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (31% GDP), trong khi DN tư nhân đóng góp rất hạn chế, chỉ 8% GDP" - ông Bùi Quang Tuấn nói.
Bàn thêm về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rõ, kinh tế tư nhân là lực lượng cứu chúng ta thoát khỏi khủng hoảng ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng sau đó lại chưa được tập trung phát triển. "Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển DN Việt đúng nghĩa. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc thành lập nhiều chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng DN Việt" - ông Thiên bày tỏ.
Theo ông Thiên, nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi; không định hướng phát triển các thị trường và lực lượng thị trường đúng nghĩa. Bên cạnh đó, việc kéo dài ưu đãi "phi thị trường" quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống. Do đó cần xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn mới, nền tảng là DN tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế; thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử. Thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, thay đổi quan niệm "cổ phần hóa DN nhà nước", chuyển nó thành quan niệm "tư nhân hóa" và xúc tiến đẩy nhanh quá trình này.
Tại diễn đàn các chuyên gia đều cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần có các chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khắc phục những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân tạo đà cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.