Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong tổng số hơn hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, mới có 520.000 (khoảng 50%) thí sinh đã đăng ký với tổng 2,4 triệu nguyện vọng lên Hệ thống chung của Bộ. Con số này là thấp so với mọi năm và khiến đại diện Bộ GD&ĐT “cảm thấy lo lắng”.
Về nguyên nhân dẫn đến số lượng đăng ký còn ít, có thể do thí sinh còn băn khoăn chưa biết sắp xếp, lựa chọn nguyện vọng như thế nào; có thể thí sinh chủ quan vì nghĩ còn đủ thời gian nên không vội nhưng cũng không loại trừ tình huống thí sinh hiểu lầm khi cho rằng, đã trúng tuyển qua phương thức xét tuyển sớm và không cần đăng ký trên hệ thống chung.
Nếu xuất hiện suy nghĩ như vậy thì rất nguy hiểm vì trúng tuyển bằng phương thức nào, vào bất cứ ngành nào, trường nào thì đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Nếu thí sinh không thực hiện bước này nghĩa là thí sinh không trúng tuyển.
Thí sinh cần sớm quyết định việc lựa chọn ngành, trường và không chờ đến ngày cuối mới đăng ký vì dễ dẫn đến hiện tượng chậm muộn do nghẽn mạng.
Dù đã tuyên truyền rất nhiều về việc thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng cũng như không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng nhưng thực tế vẫn ghi nhận trên 70.000 em chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, và cũng xuất hiện thí sinh đăng ký hàng trăm nguyện vọng.
Thí sinh không nên dồn tất cả những nguyện vọng vào nhóm ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao, vì nếu không trúng tuyển thì khả năng là không trúng tuyển tất cả những ngành, trường còn lại. Mỗi thí sinh nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng xét tuyển và chia theo các nhóm ngành, trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.
Theo Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, có những trường sử dụng tiêu chí phụ, điều kiện sơ tuyển và có hậu kiểm, vì vậy thí sinh cần đọc kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của trường và đừng bỏ quên nội dung này.
Chẳng hạn, các trường khối công an, quân đội yêu cầu phải đăng ký nguyện vọng 1 mới xét tuyển. Thí sinh lưu ý, nếu không đỗ nguyện vọng 1, các em còn có những lựa chọn khác ở nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Do đó, các em nên đăng ký thêm nguyện vọng, đừng chủ quan đăng ký duy nhất một nguyện vọng.
Khi đăng ký trên hệ thống, thí sinh phải thực hiện tuần tự các bước, đủ quy trình từ đầu đến cuối, không bỏ sót một bước nào để bảo đảm việc đăng ký nguyện vọng thành công. Với việc điều chỉnh nguyện vọng cũng cần hoàn thiện đủ quy trình để hệ thống ghi nhận việc đã điều chỉnh nguyện vọng, nếu không khi quay trở lại thì hệ thống vẫn ghi nhận ở nguyện vọng ban đầu.
Trong việc sắp xếp nguyện vọng xét tuyển, các chuyên gia khuyên thí sinh “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” và nên chia số nguyện vọng thành 3 nhóm.
Nhóm nguyện vọng thứ nhất, xếp lên cao nhất là nguyện vọng các em mơ ước, thậm chí là ngành có điểm chuẩn các năm cao hơn so với điểm thí sinh đang có.
Nhóm thứ hai là nhóm nguyện vọng vừa sức với điểm của thí sinh. Lúc này, các em có thể cân nhắc các trường cùng đào tạo ngành đó để lựa chọn trường theo ý thích của mình.
Nhóm nguyện vọng thứ ba là nhóm dự phòng, nhóm ở dưới năng lực của mình một chút. Có như vậy, thí sinh mới có thể chắc chắn đỗ đại học năm 2023.
Sau khi hoàn thành việc đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển sang phần thanh toán lệ phí. Theo đó, các thí sinh sẽ thực hiện nộp lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31/7/2023 đến 17 giờ ngày 6/8/2023.
Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT chia lịch thanh toán theo 5 nhóm tỉnh thành vào các ngày khác nhau; đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục có biện pháp phù hợp hỗ trợ thí sinh.