Chuyên gia luật ủng hộ Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, sớm triệt tiêu F0 trong cộng đồng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyên gia luật lên tiếng ủng hộ TP Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nhằm sớm khoanh vùng các ổ dịch, triệt tiêu F0 trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Hồ Xuân Hương:

Để cuộc sống được trở lại bình thường

Bà Hồ Xuân Hương

Kỷ luật, tuân thủ quy định chính là hành động nhân văn nhất lúc này để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, cộng đồng và đất nước. Thêm 2 tuần nữa là kết thúc 1 tháng giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội. Kết quả đạt được như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Sự nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch phải đồng bộ.

Hiện nay, chính quyền các cấp, các lực lượng đang ngày đêm nỗ lực cố gắng chỉ đạo, triển khai, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và đa số người dân đã nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đó đây vẫn có những thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi còn vi phạm trong thời gian giãn cách ở địa phương mình, thể hiện qua việc ra đường trong trường hợp không cần thiết, có những lời nói, hành vi thiếu văn hoá, chống đối người thi hành công vụ, còn tụ tập ăn nhậu…

Chúng ta hãy đọc những vần thơ của một cô giáo ở Nghệ An, sao mà thấm thía vậy.

“Đừng trách ai! Đừng oán thán, hoang mang!

Đừng đòi hỏi! Đừng cực đoan, ngụy biện!

Bộ đội, công an lao vào trận tuyến

Cùng ngành y trong cuộc chiến cam go

Đừng kêu ca khi mình chẳng được no!

Trong lúc ấy họ run tay đói lả

Đừng bí bách khi thấy mình thong thả!

Họ ngược xuôi vất vả chẳng nghỉ ngơi

Đừng ngứa ngáy tay chân khi mình quá thảnh thơi!

Họ vật lộn hồi hoàn từng sinh mệnh

Khi mình lướt “phây” ngồi trong phòng mát lạnh

Họ đốt mình dưới cái nắng chang chang

Lúc mình an toàn như nằm gọn trong hang

Họ kề cận nơi hành lang phơi nhiễm

Ngàn con người ngày đêm đang mạo hiểm

Thử hỏi rằng: Họ chiến đấu vì ai?”

Chuyên gia luật ủng hộ Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, sớm triệt tiêu F0 trong cộng đồng - Ảnh 2
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn phường Kim Giang (quận Thanh Xuân)

Đọc những câu thơ trên, chúng ta, nhất là những người đã có hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh đều phải suy nghĩ. Nhiều người lao động bị đói do không có việc làm trong thời gian giãn cách nên không có thu nhập hay những người đủ ăn nhưng phải ở trong nhà nhiều ngày, không được ra đường khi không có việc cần thiết thì vẫn sung sướng hơn nhiều so với những người đang ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy lây nhiễm, quên cả bản thân để cứu chữa cho người bệnh hoặc phơi mặt giữa cái nắng như thiêu đốt để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Còn may mắn hơn nhiều so với những người bị nhiễm Covid-19 đang phải cách ly, điều trị bệnh.

Không có “trận chiến” nào không gian khổ, không phải chịu hy sinh, mất mát. Thời gian trôi đi rất nhanh, tất cả chúng ta đều phải cố gắng, “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Hy vọng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đề ra những giải pháp hữu hiệu của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của tất cả các lực lượng và người dân, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế để cuộc sống được trở lại bình thường.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối:

Cần tiếp tục áp dụng nhiều hơn các biện pháp giãn cách xã hội

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, toàn hệ thống chính trị, các cấp các ngành, địa phương đang dồn toàn lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Mới đây, TP Hà Nội đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 23/8 để ngăn chặn đà lây nhiễm. Đây được xem là quyết định đúng đắn, kịp thời, hợp lý của Thủ đô trước diễn biến vô cùng khó lường của dịch bệnh.

Một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước là TP Hồ Chí Minh hiện tại tình hình đang rất phức tạp, mỗi ngày có hàng nghìn ca nhiễm mới, sản xuất bị đình trệ, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hà Nội tuyệt đối không được để lâm vào tình trạng tương tự như vậy. Nếu cả hai thành phố lớn nhất của cả nước đều bị tàn phá vì đại dịch, hậu quả về mọi mặt đối với đời sống kinh tế - xã hội là vô cùng nghiêm trọng.

Mặt khác, ý thức chấp hành các biện pháp phòng dịch của một số người dân Hà Nội còn chưa tốt. Nhiều người vẫn ra khỏi nhà không vì lý do chính đáng, việc một số người chống đối lực lượng làm nhiệm vụ vẫn còn diễn ra. Số ca nhiễm mới trong ngày vẫn ở mức hai đến ba con số, nhiều ca phát hiện ngoài cộng đồng. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Hà Nội tương tự như TP Hồ Chí Minh luôn hiện hữu. Việc các thành phố lớn trượt dài trong dịch bệnh có thể đẩy Việt Nam vào tình cảnh như các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia lúc này. Do vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan; phải tiếp tục duy trì, củng cố các biện pháp giãn cách xã hội tại thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Hà Nội mới ban hành Công văn hỏa tốc số 2562/UBND-KT ngày 7/8/2021 về việc cấp và sử dụng Giấy đi đường, trong đó yêu cầu chặt chẽ về mẫu giấy, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý sử dụng loại giấy tờ này để thắt chặt hơn nữa hoạt động di chuyển của người dân. Trước đó, Chủ tịch UBND TP cũng đã ban hành Chỉ thị số 17 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội. Với những hành động tích cực như vậy từ phía chính quyền, chúng ta tin tưởng vào việc Hà Nội vẫn giữ ổn định được tình hình và sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Khung cảnh “trầm lắng” của những tuyến đường Hà Nội vào buổi tối trong thời gian thực hiện giãn cách

Tuy nhiên, theo tôi, Hà Nội cần phải tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa. Cần phải cân nhắc áp dụng một số biện pháp như yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà vào ban đêm trừ một số trường hợp đặc biệt do chính quyền cho phép (tại Bắc Ninh cũng đã áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 21 giờ). Chuẩn bị thật tốt cho công nhân các nhà máy trên địa bàn thành phố thực hiện ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ - sản xuất tại chỗ (phương án 3 tại chỗ). Nếu được, nên cho áp dụng ngay, không nên chờ đến lúc tình hình phức tạp hơn mới thực hiện, lúc đó có thể gây ra gián đoạn sản xuất.

Kinh nghiệm tại Bắc Ninh cũng cho thấy hiệu quả của cách làm này, vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Mặc dù việc thắt chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch sẽ dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế nhưng với tình hình này, không thể không làm. Chúng ta không thể nhắm mắt trước số ca nhiễm mới, số người tử vong mỗi ngày mà chỉ nhìn vào tăng trưởng kinh tế. 

Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Giãn cách để sớm khoanh vùng các ổ dịch

Luật sư Trần Hồng Phúc

Tôi hết lòng ủng hộ quyết định tiếp tục giãn cách đối với TP Hà Nội. Hiện nay số ca mắc mới hàng ngày vẫn phát sinh trong cộng đồng và Thủ đô ta đang nỗ lực truy vết để dập dịch. Có gạo, có muối, có nước uống cũng đủ để sống và vượt qua dịch bệnh.

Thời điểm hiện nay, nếu TP Hà Nội bỏ giãn cách sẽ không khác gì TP Hồ Chí Minh. Kinh tế rất quan trọng, chúng ta đeo bám “mục tiêu kép” để không thiệt hại về kinh tế, nhưng cuối cùng như TP Hồ Chí Minh, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn thiệt hại rất lớn về người. “Mục tiêu kép” thực hiện, nhưng rốt cuộc “mất cả đơn lẫn kép”… nên rất mong Nhân dân Thủ đô chịu đựng “cấm túc” thêm một thời gian nữa để Hà Nội sớm khoanh vùng các ổ dịch, triệt tiêu F0 trong cộng đồng.

Tôi cũng mong người dân Hà Nội chấp hành giãn cách, an yên ở nhà và hy vọng thành phố đẩy nhanh, đẩy mạnh việc tiêm phòng vaccine cho tất cả người dân, giúp sớm đi qua đại dịch này. Chúng ta hãy dành cho những người trên tuyến đầu chống dịch có những phút nghỉ ngơi, để họ sớm có ngày về!