Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học KTQD, năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua. Động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng nội địa, thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp khó khăn trong phát triển; lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng còn chịu nhiều sức ép; dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng...
Nhìn chung, trong khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao. Thực trạng này ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. “Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới” - GS.TS Trần Thọ Đạt đánh giá.
“Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công” - PGS.TS Tô Trung Thành, đồng chủ biên Ấn phẩm “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” chia sẻ.
Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối DN nước ngoài (FDI) mà chủ yếu là các tập đoàn nước ngoài cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lo ngại, thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu GDP tăng 6,8% trong năm 2019, vẫn còn nhiều việc phải làm.