Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Nông nghiệp phải thích ứng để phát triển

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ dịch Covid - 19 chúng ta thấy rõ hơn vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Để tăng thu nhập, bù đắp lại những thiệt hại đã qua, chúng ta cần có giải pháp thích ứng tốt hơn với sản xuất và thị trường” - Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.
Nông nghiệp không chỉ là “trụ đỡ”
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp đối với ổn định tình hình trong nước thời gian qua, khi dịch Covid - 19 bùng phát và đang dần được khống chế?
- Vai trò của nông nghiệp thời gian qua thể hiện ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, nông nghiệp đã đáp ứng đầy đủ nguồn cung về lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng. Thứ hai là cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn của người Việt, đặc biệt là trong giai đoạn người dân tối giản chi tiêu. Thứ ba là tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm.
Chúng ta có quyền nhận định rằng, nông nghiệp, nông dân luôn là hậu phương vững chắc cho đất nước, dù ở bất kể hoàn cảnh nào.
Nói như vậy có nghĩa, nông nghiệp đóng vai trò cốt yếu trong bảo đảm an sinh xã hội, chứ không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thưa ông?
- Đúng vậy! Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế - xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Nhờ vai trò “trụ đỡ” ấy mà đất nước vẫn ổn định, phát triển. Và đại dịch Covid -19 được xem là một liều thử mạnh về cái vốn có và năng lực thích ứng của “tam nông” nước nhà.
Ở một khía cạnh khác, nông nghiệp đã và đang đóng góp quan trọng cho ổn định chính trị, đời sống, tạo tâm lý bình yên trong Nhân dân. Trong giai đoạn dịch Covid -19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chúng ta không nhận thấy sự hoảng loạn trong cộng đồng. Sở dĩ vậy, là bởi người dân được đáp ứng cơ bản đầy đủ các nhu cầu thiết yếu. An sinh xã hội vẫn được đảm bảo tốt. Vui là vậy, nhưng trong tâm khảm, tôi vẫn bận tâm, bởi duy trì “trụ đỡ” dài thì người nông dân cũng phải “hy sinh” nhiều hơn.
Tìm “cơ” trong “nguy”
Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp, thậm chí, sau 4 năm, tăng trưởng của ngành trong quý I lại bị âm. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Những tháng đầu năm 2020, nông nghiệp nước ta khó khăn chồng lên khó khăn. Những trận mưa đá tại miền núi phía Bắc; Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm hàng nghìn héc-ta cây ăn quả bị thất thu. Dịch cúm trên gia cầm, và đặc biệt là dịch Covid -19, đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, các mặt hàng nông sản xuất khẩu bị “đông cứng” và giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường số 1 của Việt Nam là Trung Quốc trong quý I/2020 sụt giảm đến 6,9%.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có những cơ hội. Bởi dịch Covid -19 đến rồi sẽ tan, tiêu dùng thực phẩm hàng ngày và thực phẩm dinh dưỡng sau dịch sẽ tăng. Điều cần làm bây giờ là chúng ta phải đón lấy thời cơ để lấy lại đà tăng trưởng và bù đắp thiệt hại đã mất trong thời gian qua.
 Canh tác rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng
Thời cơ mà ông đang muốn nhắc tới là gì và được biểu hiện ra sao?
- Hiện, tín hiệu sản xuất của toàn ngành nông nghiệp đang khá tốt. Trong đó, lương thực (lúa, gạo), rau, củ quả và thủy sản sẽ có tiềm năng lớn từ sức mua của người tiêu dùng. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng cơ bản được kiểm soát và lĩnh vực chăn nuôi cũng đang dần hồi phục…
Về lúa gạo, giá xuất khẩu đang rất tốt, giá tiêu dùng nội địa cũng tăng. Thị trường thế giới cũng đang có nhu cầu lớn đối với mặt hàng này. Trong khi đó, sản xuất lúa vẫn còn 1 vụ Hè Thu, sản lượng lúa gạo vẫn đảm bảo cho an ninh lương thực và đáp ứng xuất khẩu từ 6 - 6,7 triệu tấn trong năm 2020.
Nhiều chuyên gia y tế dự báo, dịch Covid -19 ở châu Á sẽ cơ bản được khống chế trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 đối với châu Âu. Khi đó, thị trường sẽ “trỗi dậy” và đây là cơ hội “vàng” mà nông nghiệp phải tìm cách thích ứng. Tôi sử dụng từ thích ứng và cho là hợp lý, bởi chúng ta thực tế còn hạn chế về trình độ, năng lực sản xuất. Ai nói nông nghiệp có thể thay đổi để đáp ứng thị trường theo tôi là có vẻ hơi “lãng mạn”.
Coi trọng chế biến và thị trường trong nước
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid - 19 chưa được khống chế, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp gì?
- Vụ Xuân còn nhiều diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác, hoặc nông dân bỏ ruộng. Với diện tích này, phải tận dụng để sản xuất rau màu, cây có củ, cây ăn quả. Ở đó, các DN ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã phải là đầu tàu đóng vai trò dẫn dắt, các nông hộ là vệ tinh sản xuất theo tiêu chuẩn… Có như vậy mới tiêu thụ được khối lượng nông sản lớn và quan trọng hơn là đón được đơn hàng.
Tháng 5 - 6/2020 cũng là thời điểm thu hoạch rộ cây ăn quả. Do đó, các DN, hợp tác xã, các địa phương cần điều tra, thống kê, rà soát lại diện tích, thời gian thu hoạch từng loại cây quả, để giãn thu hoạch, phân kỳ tiêu thụ, nhằm tránh dư thừa khi nguồn cung vượt. Đi liền với thu hoạch và phân kỳ giao hàng, các hợp tác xã, chủ trang trại, DN cần nâng cao năng lực bảo quản, chế biến và xây dựng kho lạnh tại các vùng nguyên liệu.
Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng. Theo ông, làm thế nào để có thể khôi phục được thị trường tiêu thụ cho nông sản?
- Hiện nay, hầu hết các nước vẫn đang tập trung nguồn lực cho khoanh vùng, giãn cách xã hội và dập dịch Covid - 19. Vì vậy, hướng mạnh và lấy thị trường trong nước để phục vụ người tiêu dùng là thượng sách. Do vậy, người nông dân phải sản xuất nông sản an toàn. Các DN, siêu thị, trung tâm thương mại lớn cần về tận vùng nguyên liệu thu mua giúp nông dân. Khi cái bắt tay của hai nhà trở nên thân thuộc, ấy là khi thị trường sôi động và lợi ích của các bên tham gia được hài hòa.
Đối với nông sản xuất khẩu, điều tôi muốn chia sẻ thêm là phải có mã vùng sản xuất, mã số đóng gói. Đây là điều hết sức quan trọng để khách hàng truy xuất nguồn gốc. Cá nhân tôi tin tưởng, dịch Covid -19 sẽ là khoảng lặng để chúng ta nhìn lại và thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản.
Xin cảm ơn ông!

"Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Việt Nam cần tiếp tục hướng vào thị trường tầm trung và phân khúc thấp của Trung Quốc để thích ứng phát triển. Dù ở góc độ nào thì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, một tác nhân quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam." - Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy