Chuyên gia Quốc tế: Giải quyết vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long cần đối diện sự thật

Linh Pham
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng chỉ khi thừa nhận các vấn đề nội tại, quyết sách hợp lý và hữu hiệu mới được đưa ra.

Chuyên gia nước ngoài cho rằng trong giải quyết các vấn đề nổi cộm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chính phủ cần đối diện với những nguyên nhân nội tại dai dẳng, bằng cách đó, các giải pháp mới có thể phát huy hiệu quả.

Diễn đàn Môi trường Mekong với tôn chỉ tìm kiếm giải pháp cho con người và hệ sinh thái vùng hạ nguồn Mekong. Ảnh: MEF
Cần nhìn nhận thực tế rằng vấn đề sụt lún đất, ngập lụt và bất ổn môi trường ở Việt Nam và ĐBSCL có nguyên nhân chính từ chính sách phát triển hơn là do biến đổi khí hậu. Dẫn một số nghiên cứu đã xuất bản trong 5 năm qua, các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính là khai thác cát và nước ngầm tràn lan, quy hoạch đô thị và công nghiệp thiếu khoa học.
Những tranh biện khoa học và chia sẻ tâm huyết được đưa ra trong Hội thảo quốc tế trực tuyến hôm 27/4 với chủ đề “Tác Động Của Các Đập Thủy Điện Sông Mekong và Biến Đổi Khí Hậu Ở Vùng Hạ Lưu Sông Mekong” do Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) tổ chức.
Hội thảo thu hút hơn 50 người tham dự, gồm các nhà khoa học và chuyên gia của Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Hà Lan, Thái Lan, Việt Nam, tổ chức phi chính phủ, nhà báo về môi trường, nghiên cứu sinh, và sinh viên đại học.
Điển hình là chuyên gia Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson ở Washington; Giáo sư John Furlow từ ĐH Columbia; Giáo sư Joop de Wit của Erasmus University Rotterdam; Giáo sư Noah Kittner từ ĐH North Carolina; Tiến sĩ Ian Baird của ĐH Wisconsin-Madison; Tiến sĩ Philip Minderhoud, Sepehr Eslami, Carel Dieperink và Annisa Triyanti của ĐH Utrecht; Giáo sư David Wood và Tiến sĩ Apisom Intralawan từ ĐH Mae Fah Luang; Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh; các đại diện từ Viện Nghiên cứu Deltares (Hà Lan), IUCN Việt Nam, Oxfam, ĐH Cần Thơ, và ĐH An Giang, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, và Học viện Quản lý Đông Tây...
Đồng sáng lập MEF: Giảng viên ĐH Cần Thơ Nguyễn Minh Quang (trái), James Borton, nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Mỹ. Ảnh: MEF
Các chuyên gia cho rằng việc hướng sự chú ý quá nhiều vào các nguyên nhân biến đổi khí hậu và đập thủy điện sẽ khiến Việt Nam khó ứng phó được với tình trạng hiện nay ở ĐBSCL.
Chẳng hạn, chuyên gia trong nước và cơ quan quản lý cho rằng xâm nhập mặn là hậu quả của “nước biển dâng” nên xây dựng thêm nhiều cống ngăn mặn.
Trong khi đó, sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm quá mức mới là nguyên nhân khiến cho mặt đất ngày càng thấp hơn so với mực nước biển (tốc độ lún nền đất nhanh hơn tốc độ gia tăng của mực biển do băng tan: 2 - 3cm/năm so với 0,3cm/năm do nước biển dâng).
“Với những thách thức nghiêm trọng về nước vì an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu người, liên quan đến trồng lúa và tôm, ĐBSCL đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, hạn hán, phát triển thủy điện, công nghiệp hóa và bão lũ”, Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu người Mỹ James Borton bày tỏ quan ngại.
Sạt lở ven biển ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: VOV
Hơn nữa, phần lớn diện tích ĐBSCL hình thành nhờ phù sa biển - không phải phù sa sông Mekong. Phù sa Mekong chỉ bồi lắng trong nội địa, còn khi ra khỏi quỹ đạo cửa sông, nó không còn khả năng bồi đắp do tác động của thủy triều và dòng biển. Sự mở rộng bán đảo Cà Mau trong quá khứ là do phù sa biển - bằng chứng là trong đất đầy trầm tích biển và muối.
Vì vậy, việc xây đê bao và cống “ngăn mặn” là nỗ lực cho hiện tại, chứ không bền vững ở tương lai do nó ngăn cản chu trình của phù sa biển. Việc khai thác nước ngầm để “cứu hạn” như hiện nay cũng chỉ giải quyết trước mắt trong khi khiến cho sự sụt lún nền đất thêm trầm trọng hơn.
Thêm vào đó, hướng chú ý vào các nguyên nhân “bên ngoài” (biến đổi khí hậu) đang là xu hướng phổ biến trong hoạch định chính sách ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hậu quả là vai trò của Nhà nước, của bên hoạch định và thực thi chính sách không được đề cập khi chính sách đó thất bại.
 Hạn hán ở ĐBSCL đẩy nông dân vào cảnh khốn cùng. Ảnh: Vietnamnet
Các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần nhìn nhận lại trách nhiệm nội tại đối với các vấn đề môi trường, trong đó vấn đề khai thác nước ngầm, khai thác cát, thu hẹp rừng, bùng nổ đô thị hóa và quy hoạch công nghiệp kém bền vững là những nguyên nhân chính chứ không phải “biến đổi khí hậu”.
Theo đó, tiếng nói, ý kiến, và kinh nghiệm từ cộng đồng và chuyên gia địa phương cần được nhìn nhận nghiêm túc và kết hợp hài hòa với tri thức khoa học thế giới để làm nền tảng cho xây dựng chính sách thích ứng. Bởi biến đổi khí hậu là vấn đề không mới và người bản địa luôn trải qua và thích ứng hiệu quả với nó từ nhiều thế hệ. Do đó, kết hợp kinh nghiệm địa phương và tiến bộ khoa học sẽ tạo nên hiệu quả cho mọi giải pháp thích ứng.
Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) được sáng lập bởi nhà văn, nhà báo và nhà nghiên cứu người Mỹ James Borton và Nguyễn Minh Quang, học giả địa chính trị của Đại học Cần Thơ. Là một diễn đàn chính sách độc lập phi lợi nhuận cung cấp thông tin khoa học về môi trường và các nghiên cứu về hệ sinh thái Mekong, bao gồm ĐBSCL, MEF đã thu hút sự tham gia của hàng chục nhà khoa học và chuyên gia quốc tế với mục tiêu xuyên suốt: góp tiếng nói khoa học vì một ĐBSCL phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần