- Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp, khởi đầu chắc chắn là đi bộ. Thế nhưng, hành động đi bộ thủa nào gắn với nền nông nghiệp còn tùy tiện, không bị trói buộc vấn đề thời gian… Đồng nghĩa với việc chúng ta chưa có văn hóa đi bộ theo đúng nghĩa.
Tại sao vậy, thưa ông?
- Chúng ta chưa có văn hóa đi bộ vì ngay cả nơi dành cho người đi bộ là vỉa hè thường bị lấn chiếm để bán hàng hoặc để phương tiện giao thông tĩnh. Vì thiếu không gian vật lý nên người đi bộ phải đi đan xen cả trên vỉa hè và lòng đường. Điều này thể hiện ngay trên khu phố đi bộ mở rộng quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngắm dòng người đi bộ, tôi có cảm giác như họ đang đi hoạt náo, thậm chí cầm tay nhau, hào hứng, hổn hển chứ không phải để thư giãn, nhàn tản. Không khí đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua dường như là một sự thể nghiệm, tập dượt, một sự thỏa mãm hiếu kỳ. Do đó, chúng ta phải kiên trì vận động xây dựng nếp văn hóa đi bộ, đặc biệt là lớp trẻ.
Thưa ông, kể từ khi Hà Nội mở rộng phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, lượng khách đổ về đây rất đông mỗi dịp cuối tuần. Có phải vì quá tải nên dẫn đến những hành vi chưa đẹp như: Vứt rác bừa bãi, ồn ào, chen lấn, bán hàng rong…?
- Hà Nội vừa triển khai mở rộng 16 tuyến phố, khu vực đi bộ thay vì vài phố thí điểm như trước kia. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền TP nhằm tạo ra một không gian văn hóa cho Hà Nội. Có cảm giác khu vực này giống như một bảo tàng du lịch thiên nhiên sống, khẳng định vẻ đẹp Hà Nội hơn ngàn năm tuổi. Từ khi Hà Nội triển khai mở rộng phố đi bộ, nhiều người dân và du khách đều bày tỏ niềm hân hoan và thể hiện những hành vi đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn những hành xử không đẹp. Nguyên nhân đến từ nhiều phía. Không chỉ không gian vật lý chật hẹp, mà thói quen ứng xử tiểu nông, tùy tiện… của người Việt cũng là nguyên cớ dẫn đến hiện trạng này. Qua quan sát, tôi nhận thấy hầu hết những hành vi chưa đẹp diễn ra ở cộng đồng người Việt chứ không phải từ du khách nước ngoài. Bởi lẽ, khách quốc tế đã có văn hóa đi bộ lâu rồi. Còn chúng ta, dù rất hào hứng và ủng hộ nhưng văn hóa đi bộ vẫn là thứ gì đó còn rất mới mẻ. Mặt khác, những hành vi chưa đẹp còn nảy sinh từ những tiện ích chưa cao. Chẳng hạn, không đủ quán ăn, uống phục vụ du khách nên hàng rong vẫn có “đất” sống. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi tuyến phố đi bộ mở rộng mới triển khai thí điểm, có nhiều người đến vì tò mò nên không gian vật lý gần như quá tải. Do đó, đưa đến kết quả không như ý, dễ vi phạm chuẩn mực, gây bực dọc, phản cảm.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để “khai tử” những hành vi chưa đẹp, đảm bảo khu phố đi bộ của Hà Nội ngày càng văn minh, hữu ích?
- Theo tôi, khu phố đi bộ ngày càng văn minh, trước hết, phải di dân khu phố cổ. Bởi lẽ, mật độ quần cư quá dày đặc trong khu phố đi bộ sẽ khiến nơi đây phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thực tế, ở những khu phố đi bộ nước ngoài, lượng khách luôn lớn hơn rất nhiều so với số người bản địa, nhưng ở ta, khu phố dành cho hoạt động đi bộ cư dân tọa lạc ở đó rất đông. Chúng ta không thể cấm cản những sinh hoạt chính đáng hàng ngày của họ được. Vì thế, những hành động không tương thích trong khu phố đi bộ xuất phát từ cả cư dân phố cổ.
Mặt khác, cần phải xây dựng văn hóa đi bộ cho giới trẻ vì họ là chủ nhân của đất nước. Bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình, và cả cộng đồng, cần đặt ra quy tắc cho mỗi cá nhân. Nếu ai đó không tuân thủ nguyên tắc, có hành vi phi văn hóa ở tuyến phố đi bộ hoặc những nơi công cộng, cần phải lên tiếng vạch trần để họ cảm thấy đáng xấu hổ và thay đổi. Muốn có văn hóa đi bộ chuẩn mực, hãy học từ các vị khách đến từ quốc tế. Họ là những tấm gương phản chiếu sắc nét nhất để chúng ta nhìn vào.
Xin cảm ơn ông!