Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển giá trong khâu đầu tư: Doanh nghiệp “lời thật, lỗ giả"

Hà Lâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kê khống khai tăng giá trị tài sản trong khâu đầu tư, gây ra hiện tượng “lời thật, lỗ giả” là một “chiêu” được nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng để chuyển giá, gây thất thu ngân sách.

 Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco Hà Huy Phong.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco Hà Huy Phong cho biết, cần phải có các giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này.
Chuyển giá không chỉ tồn tại ở khâu vận hành sản xuất, kinh doanh mà còn tồn tại từ khâu đầu tư. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này tại Việt Nam?
- Thực tế, chuyển giá tồn tại trong tất cả các giai đoạn hoạt động của một DN, từ khâu đầu tư đến khâu vận hành sản xuất, kinh doanh và thậm chí cả khi giải thể. Ở khâu đầu tư, có hai vấn đề cần chú ý bao gồm, khai báo vốn đầu tư, hình thức góp vốn và khai báo giá trị tài sản mua sắm tạo lập tài sản cố định ban đầu.
Hành vi kê khống giá trị tài sản trong khâu đầu tư để chuyển lợi nhuận kinh doanh sang phần khấu hao tài sản, làm cho kết quả kinh doanh của DN từ lãi sang lỗ là một chiêu phổ biến gây thất thu ngân sách. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Do khai báo giá trị tài sản cao hơn so với thực tế trong khâu đầu tư nên nhà đầu tư được hưởng chi phí khấu hao lớn, dẫn đến làm giảm lợi nhuận sổ sách. Với việc sử dụng các “chiêu” khấu hao tài sản, nhà đầu tư có thể thanh lý và xoay vòng tái đầu tư tài sản rất nhanh, dẫn tới DN luôn ở trong tình trạng lỗ hoặc lợi nhuận thấp. Hiện tượng “lời thật, lỗ giả” gây thất thu lớn cho ngân sách. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng có liên quan cần phối hợp với nhau đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa để hạn chế tình trạng này.
Ngoài “chiêu” kê khống giá trị tài sản, DN còn có thể chuyển giá trong khâu đầu tư như thế nào, thưa ông?
- Chuyển giá trong khâu đầu tư cũng là một công cụ cho DN FDI rút vốn ra khỏi Việt Nam mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục khai báo nào. Ví dụ, nhà đầu tư góp vốn bằng tiền là 20 triệu USD và sử dụng 10 triệu USD để mua sắm tài sản cố định, nhưng thực tế giá trị tài sản chỉ có 6 triệu USD, nên đã rút ra khỏi Việt Nam 4 triệu USD một cách an toàn.
 Coca Cola từng bị lùm xùm về vấn đề chuyển giá. Ảnh: Chiến Công
Những hệ quả của hành vi này là gì?
- Hành vi chuyển giá trong khâu đầu tư để lại nhiều hệ quả xấu khi làm tăng vốn góp ảo, làm méo mó hình ảnh của nền kinh tế, làm sai lệch mọi tài liệu thống kê dẫn tới thiếu chính xác trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, tạo bất công giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, lãng phí tài nguyên và nguồn lực quốc gia… Việc DN FDI trốn thuế thông qua chuyển giá là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới sự bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, hạn chế sức cạnh tranh của các DN nội địa…
Vậy, giải pháp nào để chống chuyển giá trong khâu đầu tư?
- Để chống chuyển giá, Chính phủ cần có các giải pháp về mặt pháp luật và công cụ kinh tế để quản lý việc khai báo vốn đầu tư và mua sắm tài sản cố định, cũng như quản lý chặt chẽ các hình thức khấu hao, thời gian khấu hao, quản lý giá mua bán hàng hóa đối với các công ty liên kết.
Ngoài ra, thay vì áp dụng các biện pháp hành chính, chúng ta nên gắn các ưu đãi đầu tư với các hoạt động chống chuyển giá. Ví dụ: DN chỉ được hưởng ưu đãi thuế nếu tham gia cơ chế chào thầu công khai mua sắm tài sản cố định tại Việt Nam; hay phân loại giá trị tài sản cố định để được hưởng hình thức khấu hao nhanh…
Ngoài ra, chúng ta cũng nên tham khảo và vận dụng các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế để chuyển hóa thành các công cụ chính sách và công cụ pháp luật trong việc chống chuyển giá.
Xin cảm ơn ông!