Chuyển giao 2 nhịp cầu Bình Lợi cho TP Hồ Chí Minh quản lý bảo tồn

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa trên đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính đã quyết định chuyển giao hai nhịp cầu đường sắt Bình Lợi cho UBND TP Hồ Chí Minh quản lý và bảo tồn.

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret, đưa vào sử dụng năm 1902.
Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret, đưa vào sử dụng năm 1902.

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ có hai nhịp, gồm một nhịp dài 22,9m và một nhịp dài 40,9m có giá trị ban đầu theo sổ kế toán là 13,888 tỉ đồng và giá trị còn lại là 12,344 tỉ đồng.

Đây là tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia, được chuyển giao từ Bộ GTVT về UBND TP Hồ Chí Minh quản lý, căn cứ theo nghị định số 46/2018/NĐ-CP liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia.

Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ GTVT và UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc bàn giao và tiếp nhận hai nhịp cầu.

Sau khi nhận tài sản từ Bộ GTVT, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành quản lý và bảo tồn hai nhịp cầu theo đúng quy định.

Trước đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến Bộ GTVT để thống nhất chủ trương và đề nghị Bộ Tài chính tiến hành điều chuyển hai nhịp cầu Bình Lợi cũ cùng với tháp canh phía TP Thủ Đức theo nguyên trạng nhằm phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn.

Cầu Bình Lợi có kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn với Biên Hòa (Đồng Nai).
Cầu Bình Lợi có kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn với Biên Hòa (Đồng Nai).

Cầu Bình Lợi là công trình mang giá trị lịch sử và văn hóa gắn liền với sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh cũng như ngành đường sắt Việt Nam.

Sau khi hoàn tất việc bàn giao, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc bảo tồn nguyên trạng cầu Bình Lợi cũ (bao gồm hai nhịp cầu và tháp canh phía Thủ Đức).

Mục tiêu của việc bảo tồn là lưu giữ dấu tích của cầu Bình Lợi gắn với không gian sông nước, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.