Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Chưa rõ lợi ích sẽ khó khuyến khích

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những giải pháp quan trọng mà Nghị quyết 35/NQ - CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động là hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN.

Song, trong quá trình thực hiện đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong lĩnh vực quản lý thuế.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, chính sách thuế gần đây đã có nhiều đổi mới nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Ông có thể cho biết cụ thể về việc đổi mới chính sách thuế để tạo thuận lợi cho DN?
- Chẳng hạn tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế. Trước đây, theo điều tra của VCCI khi có quyết định hoàn thuế DN phải chờ 7 ngày tiền hoàn thuế mới về, nhưng vừa rồi, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có điều chỉnh Thông tư 99/TT - BTC, gắn trách nhiệm của Kho bạc, thì chỉ còn 2 ngày. Hay, Bộ Tài chính có quy định bắt buộc Tổng cục Thuế phải có Cổng thông tin trả lời phản ánh của DN công khai minh bạch. Theo hạn, ngày 30/4 tới, Cổng thông tin này sẽ hoàn chỉnh và được coi là một chuyển đổi hướng đến DN, các thắc mắc được giải đáp kịp thời, cũng như có những giải đáp cụ thể, hướng dẫn riêng cho DN. Đặc biệt, việc sử dụng kết quả điều tra về sự hài lòng của DN của ngành thuế để thúc đẩy phát triển cải cách là cách tiếp cận rất cầu thị, tạo ra sự chuyển động phù hợp với xu thế.
Nhưng có vẻ như những cải cách đó chưa đủ sức hấp dẫn với các hộ kinh doanh. Vậy, để khuyến khích thì cần phải làm gì, thưa ông?
- Để hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN bền vững phải có động cơ kéo và đẩy. Động cơ đẩy đó là phải để hộ kinh doanh thấy có động lực, thấy chuyển thành DN một cách thuận lợi hơn về thủ tục thuế và quan trọng là thấy được cơ hội để họ lớn nhanh, lớn mạnh hơn. Còn động cơ kéo là môi trường kinh doanh lành mạnh. Thực tế có nhiều hộ kinh doanh quy mô chẳng kém gì DN nhưng trách nhiệm với người lao động, nhất là trách nhiệm thuế, nghĩa vụ với Nhà nước lại thấp hơn so với nhiều DN đang hoạt động công khai, minh bạch. Rõ ràng, khi tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ có những động lực rất quan trọng để nhiều hộ kinh doanh trở thành DN.
Đặc biệt, thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát những chính sách, quy định đang làm cản trở, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi. Bởi chính sách đó có thể nằm ở luật, thông tư, chính sách của địa phương. Mỗi địa phương cần thiết chế hỗ trợ cụ thể, thông qua nhiều kênh, nhất là phải đứng vào vị trí của hộ kinh doanh cá thể, từ đó có thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để họ phát triển thành DN. Chẳng hạn, Bắc Ninh đã kê bàn đăng ký kinh doanh đến tận các làng nghề, hướng dẫn cụ thể, và sau đó các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN tăng đáng kể.
Ông từng dẫn chứng lãnh đạo một số tỉnh đã công khai việc nộp thuế của các hộ kinh doanh, khuyến khích sự giám sát chéo giữa các hộ, liệu có thể phát triển nhân rộng mô hình này không?
- Tôi cho rằng đây là ý tưởng tốt, không ai giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ bằng chính các hộ kinh doanh. Hiện, mức thuế khoán nếu không công khai thì rất tù mù, chỉ hộ nào biết hộ đấy và không công bằng. Khi công khai, các lợi ích đằng sau sẽ lộ diện và ai cũng có quyền chất vấn việc hộ kinh doanh phát triển, có đông khách hàng, doanh thu hiển nhiên rất lớn lại thực hiện nghĩa vụ ít hơn nhiều hộ kinh doanh kém hơn. Tôi muốn nhấn mạnh, quá trình giám sát chéo thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong kinh doanh và hiện tại trong pháp luật thuế đó là điều cần thiết.
Chắc chắn quá trình đó không dễ để thực hiện. Nhưng hiện việc áp dụng mức thuế khoán tưởng như chặt chẽ nhưng quyền của cán bộ thuế rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Vẫn có sự thất thu thuế vì những khó khăn trong việc xác nhận doanh thu của hộ kinh doanh cá thể. Nhiều hộ kinh doanh có quy mô như nhau nhưng doanh thu lại chênh lệch nhau khá lớn. Khó là không có gì để chứng minh được doanh thu thực chất của họ ngoài việc tự kê khai. Các giải pháp hiện nay phụ thuộc nhiều vào việc giám sát lẫn nhau của các hộ kinh doanh. Trước thực tế này, cơ quan thuế hiện đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của từng hộ như giám sát qua việc sử dụng máy đếm tiền; tuyên truyền để người tiêu dùng quen với việc lấy hóa đơn để giám sát doanh thu hộ kinh doanh… cũng như những giải pháp để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế  Nguyễn Đại Trí