Chuyển hướng từ “lượng” sang “chất”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương hoàn thiện Chiến lược...

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương hoàn thiện Chiến lược và Quy hoạch (QH) phát triển công nghiệp (CN) Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 3/2014. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương cần làm rõ các giải pháp thực hiện, bổ sung tiêu chí cụ thể đối với các dự án đầu tư, nhà máy sản xuất những sản phẩm ưu tiên, đồng thời xác định rõ mốc thời gian mà các ngành CN đáp ứng được mục tiêu của QH, yêu cầu của thị trường trong nước, có tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Yếu trong quy hoạch 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau một thời gian dài phát triển, dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng CN Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách CN (Bộ Công Thương) đánh giá, CN đã đạt tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài, bình quân trên 15%/năm trong vòng 10 năm, tăng ở cả khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Vị thế của ngành CN ngày càng được khẳng định, với các sản phẩm phong phú, đảm bảo cung ứng hàng hóa và nguyên liệu thiết yếu cho cả tiêu dùng và sản xuất. Trong đó, sản xuất CN năm 2013 của cả nước có sự phục hồi, nhất là CN chế biến, chế tạo, với chỉ số sản xuất CN tăng gần 6%, cao hơn so với mức tăng của năm 2012 (tăng 5,8%). 
 
Hướng dẫn sản xuất trên dây chuyền hiện đại tại Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang.     Ảnh: Phú Khánh
Hướng dẫn sản xuất trên dây chuyền hiện đại tại Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang. Ảnh: Phú Khánh
Tuy nhiên, hạn chế được các chuyên gia chỉ ra có lẽ nhiều hơn kết quả mà ngành CN đã đạt được. Đáng kể nhất là sản xuất CN chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, gia công lắp ráp, giá trị gia tăng (GTGT) thấp. Đặc biệt, "bài toán khó" của các nhà hoạch định chiến lược mà đến nay chưa giải được chính là việc xây dựng chiến lược, QH phát triển cho các ngành CN còn rất yếu. Tại một hội nghị trực tuyến do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ lo ngại đối với chất lượng các bản QH, chiến lược phát triển mà cơ quan này xây dựng. Theo Thủ tướng, có những QH tốn thời gian tới 2 - 3 năm, nhưng rút cuộc QH và chiến lược không khác nhau mấy. Chẳng hạn, chiến lược phát triển ngành CN ô tô mới đây được Bộ Công Thương trình lên cũng không khác QH phát triển ngành CN ô tô là mấy, vì cũng gồm những định hướng, giải pháp chung chung, chưa cụ thể nhằm tạo ra những bước đột phá.

Sẽ không còn dàn trải

Một lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, trước thực tế yếu kém đang diễn ra, các ngành CN Việt Nam cần sớm đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, không đầu tư dàn trải mà tìm trọng tâm cho từng giai đoạn, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng chiến lược, QH... Theo đó, chiến lược phát triển CN Việt Nam đến năm 2020 đang được Bộ này xây dựng sẽ đi theo hướng điều chỉnh mô hình tăng trưởng CN, phát triển các ngành CN ưu tiên và điều chỉnh phân bố không gian CN.

Để điều chỉnh mô hình tăng trưởng CN, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cần từng bước điều chỉnh từ chủ yếu dựa trên số lượng sang chất lượng, dựa trên năng suất và chất lượng. Sự điều chỉnh này phải gắn với nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của CN Việt Nam; nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, tăng tỷ trọng sản phẩm có GTGT cao. Trong phát triển các ngành CN ưu tiên gồm CN chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo, cần lựa chọn hợp lý để tạo động lực cho phát triển, do nguồn lực này có hạn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đối với một số ngành CN mũi nhọn như ô tô, CN hỗ trợ, chúng ta đã có chủ trương tập trung phát triển, song do cơ chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ nên các lĩnh vực này thậm chí thất bại. "Trong chiến lược phát triển CN Việt Nam sẽ trình Chính phủ tới đây, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các ngành CN mũi nhọn. Nếu làm được như vậy, Việt Nam mới đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản thành nước CN" - ông Quang nhấn mạnh.

 
"Thực trạng ngành CN Việt Nam vẫn có GTGT thấp xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là CN hỗ trợ chưa phát triển, sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu. Thậm chí cả những ngành CN có tốc độ tăng trưởng tốt như dệt may, da giày cũng đều có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phải NK. Ngay cả ngành bia cũng đang phải NK tới 60 - 70% nguyên liệu." - Ông Dương Đình Giám Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách CN (Bộ Công Thương)