Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện ít biết về những thợ may quân nhu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 1972, quân dân ta đã lập chiến công vang dội trên bầu trời Thủ đô Hà Nội: Đánh thắng cuộc tập kích của không quân Mỹ bằng máy bay B52, mà kẻ địch cho là những “siêu pháo đài bay” bất khả xâm phạm. Đó là trận “Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử chiến tranh.

Trước khi liều lĩnh bay vào bầu trời Hà Nội, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đã đánh giá rất cao chất lượng của các phi công. Nào là được đào tạo rất bài bản và tốn kém, “mỗi cân thịt trọng lượng cơ thể của họ tương đương với phí đào tạo 1kg vàng”. Đây là những phi công có số giờ bay cao, dày dạn kinh nghiệm... Dẫu vậy, hơn 30 chiếc B52 cùng hàng trăm chiếc F105, F4, A4… đã rụng "như sung"; dù bật ra trắng như cờ hàng trên bầu trời Hà Nội. Chắc chắn đây là câu trả lời khá rõ về “sức mạnh của không lực Hoa Kỳ”.

Thất bại trong trận không kích Hà Nội, Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở miền Nam, Mỹ cũng phải rút quân về nước.

 
Đợt trao trả 108 tù binh phi công ngày 14/3/1973 có John Mc Cain (người đi đầu).
Đợt trao trả 108 tù binh phi công ngày 14/3/1973 có John Mc Cain (người đi đầu).
Trong các điều khoản của hiệp định Paris, có việc trao trả tù binh; trong đó phía ta trao trả cho họ số tù binh là phi công bị bắn hạ.

Vẫn biết rằng đây là những tên “giặc trời” vừa gây tội ác với đồng bào ta, song với truyền thống hòa hiếu có từ hàng ngàn đời nay, chúng ta vẫn trao lại cho chính quyền Mỹ những tù binh phi công khỏe mạnh, đã được đối xử tử tế trong suốt thời gian ở trại giam. Họ được mặc những bộ quần áo đẹp, lịch sự do thợ Việt Nam may. Lúc đó, công việc này được giao cho Xí nghiệp may 20, Cục quân nhu. Tặng họ một, vài bộ quần áo là việc không khó. Song quần áo may kiểu gì, bằng vải gì, may đo hay may hàng loạt… Những điều ấy xem ra đơn giản nhưng lại là câu chuyện bàn luận khá sôi nổi trong giới thợ may quân nhu. Rồi cấp trên cũng phải vào cuộc. Tại một  cuộc trao đổi cấp cao của quân đội, việc này được đặt lên bàn và đi đến kết luận: Truyền thống ngàn năm trước, ông cha ta đã từng “trải chiếu hoa”, cấp cho quân giặc phương Bắc thua trận đầy đủ lương thực nhu yếu phẩm ăn đường về nước. Nay ta cũng sẽ làm như thế.

Một sĩ quan quân nhu được tham dự cuộc họp nắm bắt tinh thần sự chỉ đạo này. Anh đề xuất nhập khẩu loại vải kaki tốt. Còn việc từng người mặc phải vừa thì thông thường chỉ có may đo. Song lại là chuyện trớ trêu: Sĩ quan quân đội ta có bao giờ được may đo đâu mà phải làm cái việc cầu kỳ ấy cho tù binh! Lĩnh hội được ý tứ từ cấp trên: cho mặc đẹp, lịch sự, vừa vặn mà lại không may đo (!?), đồng chí sĩ quan quân nhu suy nghĩ rồi đi đến quyết định vào trại giam hỏi Giám thị: Hàng ngày cho tù binh phi công Mỹ ra sân chơi lúc nào? Ra cửa nào?

Đồng chí giám thị trại giam chỉ cái cửa duy nhất tù binh phi công được ra vào. Đồng chí sĩ quan quân nhu rút trong túi ra mẩu bút chì 3B rồi lấy thước dây ra đo chiều cao cái cửa. Anh đánh dấu độ cao: 1.50m, 1.55m, 1.60m… đến 2m, 2.10m…

Vạch bút chì bí mật này chỉ có người đánh dấu nhìn thấy. 

Hôm sau đồng chí sĩ quan quân nhu đến đúng giờ ra chơi của tù binh. Anh yêu cầu giám thị gọi tên từng tù binh một đi thật chậm ra cửa. Anh chú ý chiều cao của từng người ứng với vạch bút chì mỗi khi đi qua cửa. Anh ghi lại số đo, chiều cao ấy và đánh dấu đặc điểm khác thường của từng người (vai gù, bụng to…). Anh hỏi tên rồi ghi lại thật chính xác. Công việc “may đo bí mật” này phải mất mấy ngày vì số phi công bị ta bắt lên tới hơn 500 tên. Quyển sổ tay dày cộp mà anh ghi đến trang cuối mới hết. Từ số đo chiều cao có được, những người thợ thiết kế quần áo giàu kinh nghiệm của Xí nghiệp may 20 có thể suy ra chính xác các số đo khác của từng người. Dưới sự điều hành của đồng chí Phó Giám đốc kỹ thuật, một tổ cắt may đặc biệt được lập ra. Từng bộ quần áo gồm quần kaki, sơ mi và áo khoác là bludong lần lượt được xuất xưởng. Cứ như vậy gần 600 bộ “hàng hiệu” đề tên từng tù binh một được may xong trước ngày trao trả nửa tháng. Cục quân nhu thừa ủy nhiệm của Bộ Quốc phòng kiểm tra, đánh giá chất lượng đạt chuẩn. Hôm phát quần áo cho tù binh, một tù binh cấp bậc đại tá hỏi đồng chí sĩ quân quân nhu:

- Quân đội Việt Nam có mấy cỡ số quần áo?

- Có 4 cỡ số.

Rồi anh ta nói, quân đội Mỹ có đến hơn chục cỡ số mà mặc còn không vừa. Tôi không tin các ông có 4 cỡ số mà phải nhiều cỡ số hơn quân đội chúng tôi. Nói đoạn anh chỉ tay:

- Ông nhìn kìa, ai cũng mặc vừa như in!

Người tù binh bắt tay đồng chí sĩ quan quân nhu tươi cười:

- Các ông đã hạ được siêu pháo đài bay B52, nay may quần áo cũng rất giỏi.

Ngày 22/1/1973, thứ Ba, 9 giờ, cuộc trao trả đợt 1. Và chiều 29/3/1973, toán tù binh phi công cuối cùng được ra khỏi trại giam về nước.

Chiếc máy bay C141 xuất phát từ Sài Gòn chở các sĩ quan 4 bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mỹ, Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa) đáp từ từ xuống Sân bay Gia Lâm.

Trong ánh sáng ban mai rực rỡ, màu quân phục cỏ úa lấp lánh quân hàm sáng chói của tốp sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nổi bật trong đoàn quân nhân 4 bên bước ra khỏi máy bay, tiến vào ngồi ngay ngắn quanh những chiếc bàn phủ vải trắng tinh trang trọng. Ít phút sau những chiếc xe Hải Âu sơn bóng chở tù binh phi công tiến đến. Họ xuống xe xếp hàng ngay ngắn bên thành xe chờ gọi tên. Các tù binh phi công ăn mặc gọn gàng, khỏe khoắn lịch sự trong bộ quần áo “may đo” vừa vặn bỗng chốc khơi lên niềm tự hào của người sĩ quan quân nhu có mặt hôm ấy. Các tù binh phi công tay xách túi du lịch còn mang theo lỉnh kỉnh cả điếu cày, nón lá… về nước. Có người bị bắn rơi đầu tiên đã ở “khách sạn Hilton” 7 - 8 năm. Song cũng có người mới bị giam vài tháng.

Niềm vui sướng không gì tả nổi hiện trên nét mặt của từng người trước giờ phút trao trả. Vì chỉ ít giờ nữa thôi họ sẽ được về đoàn tụ với người thân. Có lẽ trong mơ, họ cũng không nghĩ ra việc vừa nhào lộn ném bom, bắn phá hủy diệt các TP, làng mạc Việt Nam, giết hại hàng trăm, ngàn đồng bào ta… mà giờ đây còn sống sót, lành lặn, khỏe mạnh, được đối xử tốt thế này.

- Everett Alvarez

- Peter Son

- Lewis Shattuck

- John McCain

......................… go to please!

Giọng đọc tiếng Anh rất chuẩn của người sĩ quan quân đội ta vang lên.

Các tù binh phi công nghe gọi tên, lần lượt tiến lên trước bàn kiểm tra. Sĩ quan quân đội Mỹ bắt tay rồi ân cần đưa họ đi về phía chiếc C141 đậu gần đấy.

Nhiều tù binh phi công trước khi vào máy bay còn không quên vẫy tay chào trong nét mặt cám ơn đầy xúc động.

Các tù binh phi công Mỹ được Chính phủ ta trao trả đầy đủ không thiếu một người nào như hiệp định Paris đã ký kết.

Về nước, nhiều người còn tiếp tục công việc dang dở. Và, không ít người đã trở lại thăm, làm việc ở Việt Nam. Tất cả họ đều góp chung tiếng nói thân thiện mong gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Mọi tiếng nói và hành động của họ luôn hướng vào việc thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.