Chuyển "lửa” và trao truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người trẻ ấy chỉ chừng 11, 12 tuổi nhưng giọng hát đã ăn với nhịp phách. Nhận định của Ban tổ chức, đây là liên hoan của những ca nương trẻ, những người được coi là kết quả của nỗ lực trao truyền, gìn giữ Ca trù suốt bao năm qua.

Tối qua (26/8), Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014 đã khai mạc tại Viện Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội). Diễn ra trong vòng 3 ngày, đây là liên hoan đánh dấu 5 năm Ca trù chính thực được UNESCO ghi danh vào danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chuyển "lửa”  và trao truyền

Những người trẻ ấy chỉ chừng 11, 12 tuổi nhưng giọng hát đã ăn với nhịp phách. Nhận định của Ban tổ chức, đây là liên hoan của những ca nương trẻ, những người được coi là kết quả của nỗ lực trao truyền, gìn giữ Ca trù suốt bao năm qua. Liên hoan lần này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của những người tâm huyết, nhằm đưa Ca trù ra khỏi tình trạng văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhận định, nét đặc biệt trong liên hoan lần này là nghệ thuật Ca trù đã được chuyển giao cho một thế hệ nghệ nhân kế cận và lớp trẻ, với độ tuổi chỉ từ 15 đến 50 tuổi. Sự tham gia của các nghệ nhân 80 - 90 tuổi là rất ít. Đêm khai mạc có một số đoàn tham gia biểu diễn như CLB Ca trù Lỗ Khê, hội văn nghệ dân gian Hải Phòng, CLB ca trù TPHCM. Điều đặc biệt, khán giả đến với liên hoan phần đông cũng là giới trẻ. Điều đó đã tạo cho không gian khai mạc Liên hoan Ca trù sự hài hòa, và hơn hết là niềm hi vọng vào một tương lai, diện mạo mới cho loại hình nghệ thuật này. 
 Ca nương trẻ
Ca nương trẻ
Lớp ca nương trẻ đã góp phần làm nên nét tươi mới của liên hoan. Nhiều đoàn chủ yếu là ca nương trẻ. Cụ thể là đoàn ca trù Thượng Mỗ có khoảng 20 diễn viên tham gia biểu diễn, trong số đó có già nửa là các bạn trẻ chỉ từ 10 đến 20 tuổi. Hỏi những ca nương trẻ về tình yêu với Ca trù, các em đều nói, trước đây nghe Ca trù không hiểu gì cả, nhưng sau một thời gian xem các nghệ nhân trong làng biểu diễn thì cảm thấy rất thích thú. Trong hơn 1 tháng nghỉ hè, các em đã được học cả hát và múa. Được biết, lớp trẻ trong đoàn Thượng Mỗ (Đan Phượng - Hà Nội) hôm nay biểu diễn là thế hệ trẻ thứ 5 được nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tam đào tạo. 

Chỉ có thể là tình yêu mãnh liệt

Dự liên hoan lần này, nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Thị Minh Tam chia sẻ, dạy và học Ca trù tương đối khó. Trong 10 em học thì thường chỉ "lấy” được 2 em hát. Bà dạy theo cách vừa hát vừa đánh đàn cho các em dễ học và dễ thuộc. Mỗi một khóa bà Tam đào tạo khoảng từ 8 đến 10 em, tập vào những ngày cuối tuần và dịp nghỉ hè. Đầu tiên bà cho các em nghe hát để các em quen làn điệu, động viên các em theo nghề truyền thống của cha ông. Bản thân bà cũng từng là một người trẻ theo học Ca trù từ năm 9 tuổi, đến năm nay bà đã bước sang tuổi 63. Trong CLB của bà Tam cũng có nhiều em nghe, tập và cảm thấy đam mê thực sự. Trong đó có ca nương Đặng Thị Lụa năm nay mới 20 tuổi nhưng đã tham gia các buổi biểu diễn khắp huyện, thành phố và tham dự nhiều cuộc thi. Lụa cho biết, em học Ca trù từ hồi còn bé, đầu tiên nghe rất khó, nhưng nghe nhiều biểu diễn nhiều thì thấy rất thú vị. Giống CLB Ca trù Thượng Mỗ, CLB Ca trù Hải Phòng phần đông cũng là người trẻ. Tất cả đều tự nguyện tham gia. Nghệ sĩ Đỗ Quyên (trưởng đoàn) cho biết, hiện nay CLB của chị có 28 thành viên. Trải qua nhiều khóa học khác nhau từ năm 1993, đoàn Ca trù Hải Phòng đang từng bước phát triển và trẻ hóa. Với những người trẻ, nghệ sĩ Đỗ Quyên cũng kêu gọi, động viên các bạn tham gia bằng cách biểu diễn cho mọi người xem một vài buổi, sau đó ai có hứng thú với Ca trù sẽ tự giác đăng kí tham gia. Trong đoàn hiện nay cũng có cả những người già. Có người đã hơn 70 tuổi rồi nhưng vẫn yêu Ca trù và đăng kí học… 

Trò chuyện với các em nhỏ đoàn ca trù Ngãi Cầu (Hoài Đức - Hà Nội), cảm nhận rõ nhất là các em chan chứa tình yêu với Ca trù. Đa phần các em đến với môn nghệ thuật truyền thống vì đam mê, bởi môn nghệ thuật này không có đam mê thì sẽ khó có thể theo được đến lâu dài. Cứ cuối tuần các em lại tụ họp nhau lại để nghe biểu diễn và tập luyện. Những ca nướng nhí này cho hay, Ca trù không phải ai cũng có thể say mê ngay được. Nhưng đã hứng thú rồi thì có thể sẽ phải theo suốt đời.

Gặp tại liên hoan, những khán giả làng Ngãi Cầu - nơi có nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc từng nổi tiếng với bộ môn Ca trù cho hay, từ ngày cụ Chúc còn sống người làng Ngãi Cầu đã rất ham mê Ca trù. Tuy nhiên cụ chỉ truyền nghề cho con cháu, không truyền cho người làng. Bởi thế, một số thành viên trong làng đã tự đứng ra thành lập CLB, cử người về thành phố học để truyền lại cho lớp trẻ. Đến hôm nay, làng Ngãi Cầu đã có được một đội ngũ trẻ hát Ca trù, biểu diễn Ca trù thành thạo và chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, chỉ có thể trả lời rằng tình yêu Ca trù đã gúp họ có niềm tin vào lớp trẻ sẽ gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc và truyền thống của làng, của quê hương đất nước. 

Đặc biệt, trong Liên hoan lần này có sự góp mặt của CLB Ca trù Trung tâm Văn hóa TPHCM. Trưởng đoàn Lê Văn Lộc cho biết, hàng ngày những nghệ nhân Ca trù tại đây vẫn tự mình đi tìm kiếm học trò. Ông nói, "có thể CLB chưa làm được nhiều việc lớn, nhưng việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông là chúng tôi làm được”. Ở TPHCM, đã từng có rất nhiều nghệ nhân tâm huyết, hướng tới người trẻ như mở lớp học Ca trù cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học, tuy nhiên số lượng vẫn không có nhiều và các bạn trẻ còn chưa có sự say mê. Những nghệ nhân ấy vẫn đang cố gắng cùng nhau tìm kiếm người trẻ, có tình yêu với Ca trù để phát triển môn nghệ thuật truyền thống này ngày một lớn mạnh, để nét văn hóa Việt Nam vươn xa.