KTĐT - Đề án chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông cũ nay là Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu cách đây 3 năm và dự định áp dụng khi thị trường viễn thông vượt qua giai đoạn phát triển nóng và thị phần của các doanh nghiệp đã được phân chia rõ ràng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu đề án cho phép các thuê bao di động chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác mà không cần đổi số.
Đây được coi là cách thức tốt để người tiêu dùng tự thanh lọc thị trường và chọn dịch vụ của mạng di động có chất lượng, giá thành hạ và chế độ hậu mãi tốt.
Vụ trưởng Viễn thông, Phạm Hồng Hải cho biết đang xây dựng đề án và lấy ý kiến doanh nghiệp. Nếu việc này khả thi và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, sẽ được ứng dụng vào thực tế.
Đề án chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông cũ nay là Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu cách đây 3 năm và dự định áp dụng khi thị trường viễn thông vượt qua giai đoạn phát triển nóng và thị phần của các doanh nghiệp đã được phân chia rõ ràng. Khi ấy chiến lược câu khách giữa các mạng di động sẽ khốc liệt hơn, không chỉ là giá cước rẻ mà chất lượng, dịch vụ hấp dẫn, chế độ hậu mãi sẽ là yếu tố chủ yếu để giữ chân thượng đế.
Các doanh nghiệp cũng đồng tình với chủ trương xây dựng đề án này với lý do, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng cách thức chuyển đổi dịch vụ cho khách hàng khi thị trường di động bão hòa về tốc độ phát triển thuê bao. Chẳng hạn, ở Hong Kong (Trung Quốc), số người sở hữu ít nhất một máy di động đã chiếm tới trên ba phần tư dân số. Khi tốc độ phát triển thuê bao không còn là vấn đề bức xúc với các doanh nghiệp, Hong Kong quyết định mở cửa cạnh tranh cho phép khách hàng được lựa chọn mạng di động mình thích mà không cần phải đổi số. Nhật Bản, Mỹ... cũng áp dụng cách thức này.
Tuy nhiên, quan chức một mạng di động lớn chiếm 30% thị phần ở Việt Nam lại cho rằng chính sách này chưa thể áp dụng ngay, ít nhất là trong vòng 2 năm nữa. Ông này phân tích hiện tại ở Việt Nam vẫn còn khoảng 20 triệu người chưa dùng điện thoại di động, tương ứng với khoảng trên 30 triệu thuê bao (tính theo tỷ lệ mỗi người dùng hơn một số). Như vậy, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông trong thời điểm hiện tại và tương lai gần vẫn là "đua giành cho được khách".
Đại diện một doanh nghiệp khác phân tích thêm việc chuyển đổi dịch vụ giữ nguyên số nếu áp dụng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, mạng lưới, đổi mới công nghệ, ứng dụng các dịch vụ chỉ dẫn, định vị vệ tinh... Lúc đó, các mạng di động gần như không còn khách hàng trung thành mà sẽ có làn sóng chuyển dịch thuê bao từ mạng này sang mạng di động khác.
Vị quan chức này cho biết về mặt kỹ thuật, một mạng có thể duy trì nhiều đầu số, có điều chi phí bỏ ra cho việc làm này sẽ rất tốn kém. Nhà cung cấp bắt buộc sẽ phải lập trình lại hệ thống tính cước, tổng đài... để nhận dạng thuê bao di động của các mạng khác... Khi ấy, việc quản lý thuê bao sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí việc ăn chia tỷ lệ giữa các doanh nghiệp cũng không mấy đơn giản.
Trước đó, Viettel và S-Fone là hai mạng di động thực hiện chính sách cho phép khách hàng giữ nguyên số khi chuyển sang sử dụng dịch vụ của mình. Tuy nhiên, việc giữ số chỉ thực hiện với 7 số cuối còn đầu số 09x vẫn phải thay đổi. Chẳng hạn thuê bao 091, 090 chuyển sang Viettel sẽ chuyển thành 098 chứ không giữ được nguyên số cũ. Còn với đề án mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu có thể cho phép khách hàng giữ nguyên cả 10 hoặc 11 chữ số của sim điện thoại mình đang dùng.
Cả nước hiện có trên 130,7 triệu thuê bao điện thoại. Trong đó, thuê bao di động chiếm gần 90%. Viettel, VinaPhone và MobiFone đang là 3 mạng di động đại gia chiếm thị phần thống lĩnh thị trường.