Chuyên nghiệp hóa giao thương nông sản Việt Nam – Trung Quốc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chấm dứt tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam - Trung Quốc cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này hướng tới xuất khẩu bền vững.

Tái diễn cảnh ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu

Những ngày cuối tháng 5/2023, số lượng xe chở hàng hóa lên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tăng đột biến, tính từ ngày 22/5/2023, trung bình lượng xe tồn chờ xuất khẩu tại khu vực này là trên 700 xe.

Cán bộ biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn điều tiết xe nông sản xuất khẩu. Ảnh: Quang Duy
Cán bộ biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn điều tiết xe nông sản xuất khẩu. Ảnh: Quang Duy

Theo Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, nguyên nhân ùn ứ là do sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và mặt hàng này hiện chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong khi đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.

Trước tình hình trên, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã làm việc với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất tăng thêm thời gian làm thủ tục thông quan.

Dự báo trong thời gian tới, các xe chở mặt hàng sầu riêng và một số mặt hàng khác như vải, thanh long, mít, xoài… từ các tỉnh, thành nội địa lên Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân do những mặt hàng này đều trong thời điểm thu hoạch và chỉ thực hiện xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế. Điều này khiến lượng xe tồn chờ xuất khẩu tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ tăng cao hơn nữa.

Để tránh tình trạng ùn ứ kéo dài, đặc biệt là đối với xe chở mặt hàng hoa quả tươi, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã gửi văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành và các hiệp hội ngành hàng trên cả nước.

Công văn của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Công văn của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi nên cân nhắc, chủ động tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị để tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi. Nhất là tránh trường hợp phải nằm chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng hoa quả xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tính toán chuyển đổi phương thức vận tải (xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt quốc tế) hoặc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu của địa bàn khác để giảm thiểu tình trạng chờ, đỗ dài ngày.

Song song đó, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Sở Công Thương tiếp tục trao đổi với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất cho phép mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.

Sẽ sớm xây dựng cửa khẩu số, hải quan thông minh

Nhiều chuyên gia nhận định, câu chuyện ùn ứ nông sản tại cửa khẩu khu vực biên giới là không mới và những biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý mới chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời. Nếu không bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài thì tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu lặp lại là việc không thể tránh khỏi. Thậm chí với quy mô sản xuất và năng suất nông sản ngày càng cao của Việt Nam như hiện tại thì tình trạng ùn ứ không xảy ra lúc này cũng xảy ra lúc khác.

Sầu riêng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao. Ảnh minh họa
Sầu riêng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao. Ảnh minh họa

Mới đây (ngày 30/5/2023) đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Trung Quốc. Tại buổi làm việc, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh Vương Vị Băng cho biết, hiện nay, do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như: Sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Vì vậy, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh đề xuất hai bên tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm.

Đề cấp đến vấn đề quá tải thông quan hàng hóa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Hải quan Nam Ninh chỉ đạo ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đưa qua cửa khẩu, tránh ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu (biên giới giữa Quảng Tây với 4 tỉnh của Việt Nam) nhằm giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí.

Ông Trần Thanh Nam cũng kiến nghị với nước bạn về việc thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước để phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành trong giao thương. Đồng thời, đề xuất xây dựng các kho lạnh hay trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hai nước.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, với giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ, trong đó Quảng Tây là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của thị trường 1,4 tỷ dân.