Chuyên nghiệp từ cái mặt sân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, các quan chức VPF được cử đến các SVĐ nhằm kiểm tra công tác tổ chức...

Kinhtedothi - Những ngày qua, các quan chức VPF được cử đến các SVĐ nhằm kiểm tra công tác tổ chức giải ở địa phương. Họ muốn gây áp lực để các CLB phải chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như ở sân Pleiku. Thế nhưng, sự chuyên nghiệp của V-League không chỉ thể hiện ở công tác giữ gìn an ninh, mà cơ sở vật chất chính là tiêu chí hàng đầu.

Than trời mặt “ruộng” Lạch Tray

Kết thúc trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL, khi được hỏi về chất lượng mặt sân Lạch Tray, ông Guillaume đã lắc đầu ngao ngán: "Tôi không hiểu vì sao với chất lượng mặt sân như vậy mà BTC giải vẫn cho phép Hải Phòng tổ chức thi đấu. Mặt sân hầu như không có một gọng cỏ. Đá trên mặt sân lồi lõm, không có cỏ thì chất lượng chuyên môn khó mà cao được. Thế nhưng, điều tôi sợ nhất chính là việc cầu thủ có nguy cơ bị chấn thương rất cao".
Sân Lạch Tray
Sân Lạch Tray
Ông Guillaume không phải là người đầu tiên than phiền về chất lượng mặt sân Lạch Tray. Mùa giải trước, người ta cũng cảnh báo về sự xuống cấp của SVĐ này nhưng không hiểu vì sao mọi chuyện vẫn không được thay đổi. Thậm chí, sau khi đoàn kiểm tra của VPF đến Lạch Tray, lời cảnh báo được đưa ra nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Và rồi, vì nhiều lý do, sân Lạch Tray vẫn được tổ chức trận đấu bất chấp việc các đội bóng không ngớt lời ca thán về điều kiện cơ sở vật chất ở đây.

Thực ra thì hệ thống cơ sở vật chất là câu chuyện chung của nhiều đội bóng ở  V-League. Nó thể hiện ở việc, tại các khán đài sân Lạch Tray, Ninh Bình, Long An… thậm chí còn không có khu vệ sinh dành cho CĐV đến xem bóng đá. Nơi may mắn có khu vệ sinh thì cũng ở tình trạng tồi tàn, chẳng mấy ai dám vào sử dụng. Đó là chưa kể đến chuyện, phòng họp báo, phòng chức năng… luôn ở tình trạng chắp vá, thiếu đủ thứ trang thiết bị.

Đánh vào kinh tế

Mới đây, lãnh đạo đội bóng Hải Phòng đã đăng đàn phản đối VPF về việc bị trừ quá nhiều tiền hỗ trợ. Tính theo thứ hạng, đội bóng này nhận được số tiền hỗ trợ từ VPF trong mùa giải 2014 là 800 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi chấm điểm chuyên nghiệp, số tiền đội bóng này thực nhận chỉ có 13 triệu đồng. Đây là con số gây sốc và khiến lãnh đạo đội bóng này nổi đóa vì cho rằng, VPF đã chơi chiêu trừ đầu, trừ đuôi.

Thế nhưng, khi xét theo thang điểm và những tiêu chí mà VPF đưa ra từ đầu, người ta mới thấy, việc trừ tiền là đúng. Không chỉ Hải Phòng mà nhiều đội bóng khác cũng bị trừ tiền vì không đáp ứng được các tiêu chí của một CLB chuyên nghiệp. Theo quan điểm của VPF, việc trừ tiền sẽ tiếp tục diễn ra và đây được coi là giải pháp nhằm buộc các đội bóng phải hướng đến tiêu chí chuyên nghiệp.

Bên cạnh "đòn” đánh vào tài chính, BTC giải đang hướng đến những giải pháp cương quyết hơn nhằm triệt để loại bỏ sự thiếu chuyên nghiệp đang lan tràn ở sân chơi V-League. Mới đây nhất, họ đã gửi tối hậu thư đến 2 đội bóng là ĐTLA và Hải Phòng là hoặc phải cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hoặc sẽ bị tước quyền thi đấu trên sân nhà. Có vẻ như BTC giải không muốn nhân nhượng các đội bóng nữa. Bởi, nói cho cùng, càng nhân nhượng thì các đội bóng càng chây ì, không chịu nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trong bối cảnh họ không dư dả về tài chính.