Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội vào chiều 27/1.
Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh nằm ở địa bàn quận Hoàng Mai chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/8/2021 tính đến nay được 4 tháng 12 ngày. Hiện nay, tại Hà Nội các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị tầng 3 gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 được coi là "tuyến đầu của tuyến đầu" chống dịch Covid-19, chuyên điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Không thể tiêu được tiền
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, bệnh viện hoạt động nhằm 2 mục tiêu, một là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn). Hai là thực hiện chức năng của trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch.
Sau 4 tháng đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Thời điểm cận Tết Nhâm Dần bệnh viện đang có khoảng 200 bệnh nhân điều trị, phần lớn (trên 60%) đều có bệnh nền, người cao tuổi, chưa được tiêm chủng Covid-19 nên khả năng tử vong rất cao. Điều khó khăn nhất nơi “tuyến đầu của tuyến đầu chống dịch” không phải thiếu tiền mà không thể tiêu được tiền: “Hơn 4 tháng qua, điều trị khối lượng bệnh nhân nặng đông như vậy nhưng bệnh viện chỉ tiêu khoảng 20 tỷ, phần lớn là chi chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, ngay cả điện nước, nếu quận Hoàng Mai không hỗ trợ chúng tôi đành chịu chết, chi là vướng luật”.
Để phục vụ bệnh nhân, ngoài đội ngũ y, bác sĩ còn có hàng chục tình nguyện viên, có những người ở Hà Giang, người ở Thanh Hóa. Khi Tết đến, lực lượng tình nguyện viên về quê đón xuân thì nhân lực chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt 35 bệnh nhân nặng đang thở máy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chỉ đạo các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn chia sẻ khó khăn này bằng cách chia sẻ khâu điều trị các bệnh nhân nặng (tầng 3) đã qua cơn nguy kịch. “Hà Nội luôn gửi gắm niềm tin và luôn cộng đồng trách nhiệm cùng Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Tách phơi thanh toán chi phí điều trị
Ngay từ khi dịch bùng phát, Bệnh viện Thanh Nhàn đã được Thành phố giao 250 giường điều trị tầng 3 và 100 giường điều trị tầng 2; vừa tham gia phòng chống dịch, vừa đảm bảo khám chữa bệnh thường quy. Với tư cách là bệnh viện tuyến cuối Bệnh viện Thanh Nhàn còn được giao nhiệm vụ phụ trách 7 bệnh viện cấp dưới, 7 trung tâm y tế.
Với khối lượng công việc lớn như vậy nhưng toàn thể cán bộ nhân viên Bệnh viện đã tham gia rất tích cực vào mọi mặt của công tác phòng chống dịch của Thành phố. Đến nay, bệnh viện đã điều trị cho 1.500 F0, 602 Fx trong đó có 621 bệnh nhân nặng, nguy kịch, trong đó 1.078 bệnh nhân đã ra viện (151 bệnh nhân tử vong 100% đều có bệnh nền, 96% chưa tiêm vaccine, 81% trên 70 tuổi).
Khá bất ngờ như nơi tuyến đầu, điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch như trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc điều trị thiết yếu theo Quyết định 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 như hệ thống lọc thận nhân tạo, bơm tiêm điện, siêu âm Doppler, máy lọc máu… vẫn chưa được trang cấp đủ.
Khó khăn nhất tại thời điểm này của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng như nhiều cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 chính là tách phơi thanh toán từ nguồn BHYT và ngân sách. Điều trị bệnh nhân Covid-19 là cả một quá trình, làm thế nào để phân tách chi phí BHYT khi điều trị bệnh nền và ngân sách nhà nước khi điều trị Covid-19 là một vấn đề bế tắc mấy tháng nay. Nếu không nhanh chóng giải quyết được vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 của các cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Thanh Nhàn nói riêng.
Đúng như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tại buổi đi thăm các cơ sở y tế cuối năm: “Trước mắt có thể UBMT Tổ quốc Hà Nội có thể vào cuộc, vận động xã hội hóa nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc điều trị thiết yếu nhưng không thể lâu dài như thế được. Chúng ta vẫn phải bám vào quy định, vướng đâu thì báo cáo đấy để thực hiện đúng luật, các sở liên quan cần vào cuộc cùng bệnh viện tháo gỡ”.
Thông điệp cuối năm
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của đội ngũ y, bác sỹ trước những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đã có sự chỉ đạo ngay tại chỗ với Sở Tài chính, Sở Y tế Hà Nội vào cuộc, cùng tháo gớ khó khăn.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, sau khi gửi lời thăm hỏi, động viên đội ngũ nhân viên y tế Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị bệnh viện tham gia điều trị giảm tải cho Bệnh viện điều trị người Covid -19.
Trước đó, ông đã chỉ đạo quận Hoàng Mai tiếp tục chịu trách nhiệm thanh toán tiền, điện nước cho bệnh viện này. Ông cũng đã yêu cầu UBMT Tổ quốc Thành phố sớm ngồi làm việc với các bệnh viện, để có thể hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế mà nếu chờ đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian, không kịp thời điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Kiến nghị tiêm vét vaccine cho 634 đối tượng người già, người có bệnh nền được vị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế thực hiện ngay tại chỗ.
Tại buổi kiểm tra, chúc Tết, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cộng đồng muốn giành những gì tốt nhất, đẹp nhất cho đội ngũ thầy thuốc để họ có thể yên tâm cống hiến, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo.
Đối với câu chuyện tách phơi thanh toán chi phí điều trị, vướng mắc không phải chỉ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, các bệnh viên trong cả nước đang rất chờ sự hướng dẫn của Bộ Y tế. chuyện Bệnh viện điều trị người Covid -19 và Bệnh viện Thanh Nhàn cần được sớm tháo gỡ vì khi “không tiêu được” đồng tiền chính đáng dành cho công tác điều trị sẽ khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân gặp khó khăn.